Từ ý thức đến pháp lý

Động vật hoang dã tại Công viên quốc gia Serengeti Tanzania
Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã được xã hội và các ĐBQH đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình trạng săn bắn, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái phép đang xảy ra lan tràn, đe dọa đến đa dạng sinh học, môi trường, phát triển rừng ở nước ta. Chính vì vậy, trong chuyến thăm Tanzania vừa qua, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã chọn điểm khảo sát ở Công viên quốc gia Serengeti để học hỏi kinh nghiệm thực thi các chính sách, pháp luật về phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Chính sách bảo tồn

Sau gần 3 giờ bay từ Dar es Salaam, vượt qua khoảng 800km trên chiếc máy bay cánh quạt loại nhỏ Cessna C-208B 12 chỗ ngồi của hãng hàng không tư nhân Shine Aviation, chúng tôi đến Công viên quốc gia Serengeti ở phía Bắc Tanzania, một trong mười kỳ quan thiên nhiên thế giới.


Động vật hoang dã tại Công viên quốc gia Serengeti, Tanzania

Công viên quốc gia Serengeti nằm ở khu vực hoang vu nhất châu Phi, với diện tích khoảng 30 nghìn km2 nếu tính cả phần Tây Nam Kenya. Hàng năm, tại Serengeti, người ta chứng kiến cuộc di cư khổng lồ của linh dương đầu bò, linh dương, ngựa vằn, bò tót, trâu rừng… Công viên quốc gia Serengeti cũng nổi tiếng với những đàn voi, sư tử, hà mã, hươu cao cổ, lợn rừng, khỉ, nhiều loại chim… Sự đa dạng sinh học bắt nguồn từ môi trường sống vô cùng phong phú tại đây, từ rừng ven sông, rừng thưa, đầm lầy, đồi núi thấp đến đồng cỏ. Những con tê giác cuối cùng, nghe nói chỉ còn khoảng 30 cá thể, thuộc loài động vật quý hiếm, nguy cấp được khoanh bảo vệ ở một khu vực riêng hết sức nghiêm ngặt, tránh các tay săn trộm.

Cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngorongoro, Serengeti được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1979. Hệ sinh thái Serengeti còn hoàn toàn nguyên vẹn và hiện không có rào chắn để tránh cản trở luồng di cư của các loài động vật hoang dã. Serengeti được duy trì ở trạng thái nguyên thủy để đảm bảo sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của động vật hoang dã, bảo đảm sự toàn vẹn của hệ sinh thái. Công viên quốc gia được chia thành các khu với cấp độ bảo vệ khác nhau. Hiện nay, hai khu bảo tồn khác là Maswa và Maasai Mara đang được đề xuất đưa vào danh sách Di sản Thế giới hoặc công bố là vùng đệm của Serengeti để tăng cường sự toàn vẹn của Công viên quốc gia Serengeti.

Theo The International Journal of Biodiversity Science and Management, đã gần một thế kỷ, Serengeti luôn là một trong những khu vực bảo tồn thiên nhiên hàng đầu thế giới. Được chính quyền thuộc địa Anh, lúc đó với tên gọi là Tanganyika, công bố là khu bảo tồn từ năm 1921, đến năm 1940 Serengeti trở thành Công viên quốc gia theo một sắc lệnh riêng, được phân định ranh giới, cắm mốc trên cơ sở ranh giới tự nhiên từ năm 2009, được quản lý trên cơ sở các chính sách, pháp luật quốc tế và nước sở tại. Luật Bảo vệ động vật hoang dã năm 1974 và 2009 của Tanzania đã củng cố sơ sở pháp lý cho công tác quản lý công viên và các vùng phụ cận. Theo Kế hoạch quản lý tổng thể Công viên quốc gia giai đoạn 2006 – 2016, các hoạt động chủ yếu tại Công viên là: Quản lý hệ sinh thái, dịch vụ cứu hộ động vật hoang dã, quản lý du lịch và công tác điều hành công viên.


Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn ĐBQH Việt Nam trong chuyến khảo sát tại Công viên quốc gia Serengeti, Tanzania

Người dân sống để bảo vệ

Tuy các nguồn lực về con người và tài chính được duy trì ở mức hợp lý, nhưng nguy cơ như săn bắn trộm, cháy rừng, áp lực từ du khách hay thiếu hụt trang thiết bị giám sát… vẫn đang là những thách thức hiện hữu. Một nguy cơ nữa đang đe dọa sự toàn vẹn của Serengeti là thiếu nước mặt vào mùa khô. Do đó, việc tạo một hành lang an toàn cho động vật hoang dã di chuyển tới nguồn nước ở hồ Victoria vào mùa khô hạn là rất quan trọng.

Rất nhiều khách du lịch đến đây, đi trên những chiếc xe địa hình mui trần, chạy chầm chậm trên những đường đất đầy ổ gà, ổ voi để ngắm những con thú đi lại trên đồng cỏ hay ở bìa rừng, trên cây. Ở những nơi khách du lịch dừng chân, chúng tôi thấy biển cảnh báo như: “Đừng cho thú ăn, chúng tự kiếm ăn được!”, hay “Chú ý, có động vật hoang dã ở gần”.

Điều chúng tôi ngạc nhiên nhất là người dân nơi đây hầu như không săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã. Họ chỉ ăn những con vật do mình nuôi. Có lẽ đó là một trong những lý do quan trọng để những loài động vật hoang dã kia tồn tại cho đến ngày hôm nay. Có thể, bảo vệ động vật hoang dã đã trở thành nhu cầu tự thân của người dân nơi đây qua hàng trăm năm. Đó cũng chính là “cách mà người dân nơi đây bảo vệ cân bằng sinh thái”, theo lời của Bí thứ thứ Nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania Tôn Hồ Trí Dũng. Chính vì thế mà nông dân ở đây dùng rất ít thuốc bảo vệ thực vật cho phòng trừ sâu bệnh vì đã có chim ăn hết sâu rồi.

Qua chuyến đi, các ĐBQH nhận thấy rằng, bên cạnh những vấn đề về khuôn khổ pháp lý, kỹ thuật, tài chính, thì nâng cao nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Đó cũng là điều Việt Nam đang hướng tới, kêu gọi cả xã hội cùng nhận thức được tầm trọng của đa dạng sinh học, từ đó có hành động cụ thể, thực thi hiệu quả pháp luật về bảo vệ rừng, môi trường, môi sinh, và động vật hoang dã.

Trần Văn, ĐBQH Khóa XII, XIII

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *