Để kinh tế sớm phục hồi

de-kinh-te-som-phuc-hoi
Đến hôm nay thì nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế đã đưa ra những dự báo kém lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay. Fitch Rating ngày 8.4 cho rằng GDP của Việt Nam năm nay chỉ tăng 3,3% so với mục tiêu 6,8%, giảm hơn một nửa tốc độ.

Tác động của dịch bệnh tới việc làm và nền kinh tế

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế cập nhật ngày 12.2 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế trong quý I đã không xảy ra, và chúng ta đang chờ kịch bản 2 là dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý II. Còn kịch bản 2 của Tổng cục Thống kê cập nhật cuối tháng 3 thì dịch Covid-19 còn kéo dài tới hết quý III, Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 5%. Tuy nhiên, vào lúc đó các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) chưa trở thành tâm dịch như hiện nay và nửa đầu tháng 4 vẫn chưa đạt tới “đỉnh dịch”. Như vậy, triển vọng phục hồi nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu như Việt Nam khi các thị trường chủ yếu tăng trưởng chậm lại, bước vào giai đoạn tiền suy thoái và có thể sẽ lâm vào suy thoái sâu như kịch bản của Bloomberg Economics khi dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu -1,5% và 0,5%, là khá khó khăn.

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ vẫn là dịch vụ ăn uống, phòng tập, thể thao, du lịch, khách sạn, làm đẹp và spa, công nghiệp giải trí, giao thông vận tải, logistics, kim khí điện máy, cơ khí chế tạo, chế biến… Đây chính là khu vực kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I.2020 ước tính chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

Một khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, khoảng 30% số doanh nghiệp chỉ duy trì được hoạt động không quá 3 tháng và 50% chỉ trụ được nửa năm nếu dịch Covid-19 kéo dài; 70% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và 10% phải giảm một nửa lao động so với hiện nay. Còn khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, thì 74% số doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản. Như vậy, vấn đề là sau dịch, chúng ta sẽ nhanh chóng phục hồi lại hoạt động của doanh nghiệp, hay phải bắt tay vào xây dựng lại doanh nghiệp đã phá sản, giải thể trong dịch?

Do việc làm là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế nên người viết thử phân tích tác động của dịch Covid-19 đối với việc làm và sau đó là nền kinh tế. Báo cáo Điều tra lao động – việc làm năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 55,35 triệu lao động, bao gồm 54,25 triệu người có việc làm và 1,1 triệu người thất nghiệp. Nếu khoảng một nửa trong số đó mất việc làm, giảm thu nhập do dịch Covid-19, số cần trợ cấp sẽ vào khoảng trên 20 triệu, gần với tính toán của Chính phủ trong gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62 nghìn tỷ đồng. Còn tính theo cơ cấu lao động đang làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế thì lao động khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 26,7%, khu vực dịch vụ 35,6% tổng số lao động, là những ngành yêu cầu cách ly xã hội cao phải dừng kinh doanh chống dịch, số lao động bị ngừng, mất việc có thể còn cao hơn nữa.

Thời điểm chín muồi để có gói hỗ trợ cho nền kinh tế

Tới nay, sau phiên họp bất thường ngày 8.4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm qua, 10.4, Chính phủ đã có Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho khoảng 20 triệu người nghèo, người yếu thế trong xã hội, người lao động thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Nhiệm vụ còn lại là thực thi chính sách sao cho bảo đảm được công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, thời điểm, hợp lý và theo tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được Nhà nước hỗ trợ chu đáo, người dân sẽ yên tâm thực thi các biện pháp cách ly xã hội chống dịch theo yêu cầu, khuyến cáo của Nhà nước.

Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp thì bây giờ là thời điểm chín muồi để Chính phủ có gói hỗ trợ tiếp theo. Tình hình của doanh nghiệp thì đã quá rõ như đã nói ở trên. Còn hộ nông dân cũng điêu đứng vì sản phẩm không tiêu thụ được do cách ly xã hội. Đơn cử như các hộ trồng hoa hồng ở Đà Lạt đang kêu cứu vì hoa nở rực mà không ai mua vì nhà hàng, khách sạn, công ty, cá nhân tổ chức sự kiện không có khách, các sự kiện lớn nhỏ, đám cưới, tiệc thôi nôi, sinh nhật, gặp mặt thân mật… đều phải đình hoãn. Đó chỉ là một mặt hàng ngách, sản lượng cực nhỏ mà đã thế thì các nông sản hàng hóa khác, có sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cao, từng là niềm tự hào của chúng ta sẽ như thế nào?

Cộng đồng doanh nghiệp và hộ nông dân đang mong chờ các giải pháp cho phép giãn, hoãn nộp thuế; giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng; cho miễn, giảm hay nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất hoặc thuế thu nhập của chủ đất để khuyến khích chủ đất giảm tiền thuê nhà xưởng, mặt bằng; miễn giảm các loại phí liên quan đến đăng ký, giấy phép các loại; giảm giá điện, nước, cước viễn thông. Nếu tình hình tiếp tục khó khăn, dịch bệnh kéo dài sang quý III, quý IV thì cần giảm một số sắc thuế. Có vẻ như việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay thuế thu nhập cá nhân không có nhiều ý nghĩa khi doanh nghiệp không có doanh thu và người lao động không có thu nhập khi nghỉ việc dài ngày hay mất việc. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải lãi vay, trả thuế giá trị gia tăng khi bán hàng, dịch vụ, vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, tiền điện, nước, viễn thông, trả lương cho dù không đầy đủ để giữ chân lao động lành nghề và cán bộ quản lý chủ chốt, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… nên những hỗ trợ nên tập trung vào những chi phí này là thiết thực nhất.

Theo Fitch Rating ngày 2.4, nhiều quốc gia đã công bố các gói tài khóa hỗ trợ chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế như Mỹ là 10% GDP, Anh, Đức khoảng 5%, Nga 5 – 7% GDP… nhưng cũng nhận định phải tới cuối năm 2021 kinh tế mới có thể trở lại với phong độ như trước đại dịch. Việt Nam cũng khó nằm ngoài quỹ đạo đó. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp tốt, kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ rút ngắn được thời gian phục hồi và sớm ổn định như kịch bản lạc quan nhất của Oxford Economics.

Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *