Mường Mít – xã nông thôn mới ở vùng sâu Lai Châu

xa-nong-thon-moi-o-vung-sau-lai-chau-muong-mit
Cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Năm, chúng tôi tới xã Mường Mít, huyện Than Uyên, xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới cuối năm 2017.

Hình ảnh đầu tiên làm chúng tôi ngạc nhiên là hệ thống đường xã, liên xã, đường trục trong bản, đường liên bản, đường ngõ xóm cơ bản đã được bê tông hóa, không còn cảnh lầy lội khi trời mưa. Đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hoá thuận tiện quanh năm, quang cảnh chẳng khác gì một thị tứ dưới xuôi.

Hệ thống thuỷ lợi với tổng chiều dài 18,2km cơ bản đã được cứng hoá, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất trồng lúa nước, rau màu, thuỷ sản, đồng thời bảo đảm đủ điều kiện cấp nước dân sinh và quy định phòng chống thiên tai tại chỗ.

Bên cạnh đó là hệ thống trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở khang trang, hầu như được đầu tư xây dựng mới cùng với nhà văn hoá xã, hội trường đa năng và sân thể thao đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của trẻ em và người cao tuổi. Hai trường của xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Xã đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 75,6%; tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo là 34,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,6%; đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh 97,9%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 79,6%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,3%; chỉ còn 3 hộ ở bản Hát Nam chưa có điện vì ở quá xa. Trong xã không còn nhà dột nát và 380/481 hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn.

Những thành quả này không phải xã nào ở miền xuôi cũng có được. Đó là những chỉ tiêu quan trọng minh chứng cho chất lượng cuộc sống của người dân Mường Mít được cải thiện đáng kể.

Vấn đề quan trọng là người dân đoàn kết, chung tay, chung sức cùng với địa phương duy tu, bảo dưỡng, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt nhất của các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nước sạch, các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội để những công trình đó bền vững với thời gian, phát huy được công năng, phục vụ sản xuất và đời sống của bà con được lâu dài. Đã có tình trạng bể nước sạch chung của bản bị hư hỏng nhưng người dân không cùng nhau sửa chữa mà lại làm bể riêng , đường dẫn nước riêng rất lãng phí và cần sớm được khắc phục. Thực tế cho thấy đây cũng là một vấn đề lớn liên quan tới hiệu quả đầu tư, tính bền vững của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong cả nước mà các địa phương cần hết sức chú ý.

Anh Lương Văn Toan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết, chương trình xây dựng NTM ở xã đã huy động được 178 tỷ đồng từ các nguồn vốn 30a, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn sử dụng đất, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, quỹ hỗ trợ vì người nghèo, người dân đóng góp và nguồn vốn tái định cư. Nếu không tính nguồn vốn tái định cư 154,9 tỷ đồng thì tỷ lệ nguồn vốn do nhân dân đóng góp đạt 22,6% chủ yếu từ ngày công lao động, hiến đất xây dựng hạ tầng. Đã có 11.472 ngày công được huy động, 16 hộ hiến đất xây dựng giao thông nông thôn. Đây là những nỗ lực rất lớn của bà con người Thái cho dù thu nhập còn hạn chế trong khi khối lượng thực hiện các dự án giao thông nông thôn rất lớn, cự ly dài, nền đường chủ yếu là cấp phối, đá dăm, cần phải có hỗ trợ xe, máy thi công mới thực hiện được.

Có lẽ nhờ hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi được đầu tư mà sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp đạt kết quả khá hơn, thu nhập bình quân của người dân tăng từ 12 triệu đồng năm 2012 lên 26 triệu đồng/người năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57% năm 2012 (thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới) xuống còn 10,2%. Đây là kết quả hết sức tích cực, thiết thực, sát sườn với người dân của chương trình. Anh Hoàng Văn Chài, Chủ tịch UBND xã mong muốn được Trung ương nâng mức chi trả dịch vụ bảo vệ rừng để người dân có thể sống được dưới tán rừng, tích cực bảo vệ rừng và có chính sách “hậu tái định cư” để tiếp tục hỗ trợ sản xuất, cải thiện đời sống của bà con dân tộc ngày một khấm khá hơn.

Mặc dù là xã vùng sâu, vùng đầu hồ Thuỷ điện Bản Chát với tổng diện tích đất tự nhiên 9.126ha, địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn với các thung lũng bãi bằng nằm xen kẹp giữa các dãy núi cao, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, sống nhờ nông lâm nghiệp với cây lúa, cây quế, xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ sự chỉ đạo sâu sát của huyện, được sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt tất cả các tiêu chí, đời sống của bà con dần được cải thiện, bộ mặt một số thôn bản đã có sự chuyển biến tích cực.

Hiện nay, Mường Mít tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, trong đó coi trọng nội dung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề, năng lực cạnh tranh của nông sản để nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, môi trường xanh – sạch – đẹp, an ninh trật tự.

Hương thơm của lúa nương đang trong mùa gặt cùng tình cảm và mong muốn chân thành của cử tri Mường Mít làm chúng tôi càng thêm quyến luyến với một góc núi rừng Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc.

Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *