Bùng nổ phát triển đô thị
Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7.4.2009 phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 thì tới năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Còn theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, thì tới năm 2018, cả nước đã có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa chiếm 38%.
Sự phát triển đô thị ở nước ta không tránh khỏi các thách thức chung của thế giới. Đó là phát triển mất cân đối, việc phát triển quá tập trung vào các đô thị lớn làm cho sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn ngày càng cao; phát triển không bền vững, thiếu liên kết, dẫn đến hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội xuống cấp nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề nhà ở và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó là sự thiếu chủ động trong quản lý, năng lực quản lý hành chính của chính quyền đô thị thường xuyên phải đuổi theo tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; sự thụ động trong giải quyết các vấn nạn xã hội, vấn đề đề đói nghèo, gia tăng tội phạm, thất nghiệp, hiện tượng mất việc làm, dần dần tạo ra khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, có nguy cơ dẫn đến xung đột và mâu thuẫn xã hội. Tính hiệu quả của sự liên kết giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoạt động quản lý đô thị chưa được sử dụng hợp lý, phát huy tối đa các nguồn lực của xã hội. Thông tin, cơ sở dữ liệu đô thị chưa có hệ thống, không chính xác và đủ độ tin cậy, chưa kể đến sự thiếu hụt về con người có trình độ năng lực về khoa học – kỹ thuật, tư duy quản lý đô thị thích hợp.
Chỉ riêng trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội ngày 14.6.2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đã chỉ rõ chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế – xã hội và tốc độ đô thị hóa, công tác xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, việc công khai, minh bạch thông tin trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn hạn chế… chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đô thị. Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Hàm ý chính sách
Trong thực tế, kết cấu đô thị không chỉ đơn thuần là tổ chức về không gian kiến trúc mà còn là việc tổ chức về không gian xã hội theo từng giai đoạn gắn với mục tiêu cụ thể. Hoạt động quản lý đô thị luôn đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn tuyến đến đa tuyến, từ xây dựng chiến lược đến quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Chính vì thế, lời giải bài toán quản lý đô thị, lớn hơn là giải bài toán quản lý nhà nước ở đô thị trong giai đoạn hiện nay nằm trong sự thay đổi toàn diện về nhận thức và hành động.
Cần phải nhận thức rằng, kết cấu đô thị trong xã hội hiện đại là một hệ sinh thái phức tạp bao gồm nhiều hệ thống khác nhau được tích hợp lại, vốn có ngành dọc điều hành, quản lý theo hướng chuyên môn hóa. Thế nhưng, chúng ta cần thừa nhận, hệ thống đô thị ngày càng ẩn chứa bên trong nó những thành tố mang tính “đa phức” nên phương thức quản lý chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực, từng bộ phận đã dần trở nên không còn thích ứng với tốc độ, tính chất và trình độ phát triển của mạng lưới đô thị ở nước ta hiện nay, nhất là các “siêu đô thị” như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, tính đan xen, phức hợp, cộng hưởng, giao thoa của các hệ thống trong hệ sinh thái đô thị hiện đại khó có thể phân định rạch ròi từng bộ phận để quản lý riêng biệt, cắt khúc. Hiện tượng “mạnh ai nấy làm” trong việc đào đường của ngành giao thông, ngành điện lực, ngành cấp thoát nước, ngành bưu chính viễn thông trong thời gian qua là một minh chứng.
Do sự giới hạn mang tính giai đoạn, nhiều lúc chúng ta đã “đơn giản hóa” công tác quản lý đô thị, có lúc chỉ coi quản lý đô thị là quản lý quá trình quy hoạch và kiến thiết đô thị, nhiều khi lại cho rằng đối tượng của quản lý đô thị là quá trình vận hành đô thị. Đành rằng công tác quy hoạch và xây dựng đô thị không tách rời khỏi nhiệm vụ quản lý đô thị nhưng sẽ là khiếm khuyết nếu không đưa khái niệm “vận hành đô thị” vào công tác quản lý đô thị, hướng tới sự kết hợp hài hòa, giữa ba yếu tố quy hoạch, kiến thiết và vận hành, tránh sự quản lý, vận hành đô thị theo quán tính không định sẵn, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Quản lý về chấp pháp đô thị (việc thực thi và chấp hành pháp luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng và vận hành đô thị) là việc làm hết sức cần thiết để đảm bảo đô thị phát triển đúng “quỹ đạo” đã được những nhà hoạch định, nhà quản lý quyết định. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Việc hình thành chính quyền đô thị bao trùm cả ba lĩnh vực lập pháp (ban hành quy định, văn bản liên quan đến quy hoạch, xây dựng và vận hành đô thị), hành pháp (giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các tổ chức với nhau trong mối quan hệ tương quan đến quá trình quy hoạch, xây dựng, vận hành đô thị) và tư pháp (bảo đảm pháp luật, pháp lệnh phải được thực thi) sẽ giúp cho việc vận hành đô thị được suôn sẻ.
Quản lý đô thị là một lĩnh vực lớn, toàn diện, với những mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ cụ thể. Do đó, để có một đô thị đáng sống trong tương lai, các nhà quản lý hôm nay cần làm tốt hơn nữa việc phát triển đô thị, coi công tác quản lý quy hoạch đô thị, kiến thiết đô thị và quản lý dân cư là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về đô thị.
ThS. Phạm Hồng Hạnh