Sức mạnh đại đoàn kết – động lực chiến thắng đại dịch

suc-manh-dai-doan-ket-dong-luc-chien-thang-dai-dich
Đại đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống này đã được lưu giữ, kế thừa và phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, Việt Nam ở giai đoạn quyết liệt trong phòng, chống dịch, thì bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết trở nên thời sự hơn bao giờ hết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Văn, ĐBQH Khóa XII, XIII để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sức mạnh này.

Đại đoàn kết – truyền thống quý báu của dân tộc

– Thưa ông, đại đoàn kết và sức mạnh đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng cũng vừa ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, đồng sức, đồng lòng chống đại dịch. Với ông, sức mạnh đại đoàn kết có ý nghĩa như thế nào hiện nay?

– Cha ông ta từ xa xưa đã ý thức được về sức mạnh của đoàn kết. Trải qua các thời kỳ khác nhau, sức mạnh ấy càng được bồi đắp và nâng tầm thành giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng, hay Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn… Đó chính là tinh thần đoàn kết, là sức mạnh giúp Việt Nam lập nên nhiều chiến công hiển hách trong suốt lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.


Đại diện 4 Văn phòng Trung ương trao 1,175 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp phần phòng, chống dịch Covid-19
Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong, với hàm ý nếu có sự đồng tâm, nhất trí của nhân dân thì không việc khó nào không làm được. Giữ được chân lý quý báu này thì sự nghiệp dù khó mấy cũng thành công. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhìn lại lịch sử và lời căn dặn của Bác, tôi càng thấy đúng.

Chính vì thế, trước vô vàn khó khăn, thử thách khi mà đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, kêu gọi và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với các chủ trương, biện pháp nghiêm ngặt, quyết sách đúng đắn để phòng, chống dịch bệnh, bước đầu mang lại hiệu lực, hiệu quả rõ rệt.

– Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang trong đợt cao điểm, có ý nghĩa quyết định với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với tốc độ lây lan nhanh và số người nhiễm ở diện rộng, nhiều người ví rằng, chúng ta đang thực sự bước vào “thời chiến”…, thưa ông?

– Đây thực sự là một “cuộc chiến”. Và cuộc chiến ấy đang đòi hỏi sự tiên phong đi đầu, xả thân, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ quản lý y tế, quân đội, công an, biên phòng và ý thức của từng người dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước. Có lẽ cũng rất lâu rồi, khi chiến tranh dần lùi xa, chúng ta mới chứng kiến một tinh thần đoàn kết rộng khắp khi mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được huy động chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19.

Tinh thần ấy một lần nữa cho chúng ta thấy: Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, tinh thần Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa quên những phong trào được phát động và thực hiện rất hiệu quả trong hai cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, như “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tất cả vì tiền tuyến”; rồi “Đường chưa thông, nhà không tiếc” khi mà nhiều người dân đã tự nguyện dỡ nhà, lấy vật liệu lót đường cho xe ra mặt trận…

Tiếp nối tinh thần và truyền thống đó, chỉ sau vài ngày phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công cuộc chống dịch. Những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến những cháu nhỏ, như Nguyễn Gia An (học sinh Trường Tiểu học Tràng An, Hà Nội), rồi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hay “tỷ phú” Phạm Nhật Vượng, cùng nhiều anh chị em nghệ sĩ, người dân bình thường… đã tùy theo sức của mình và làm theo cách của mình để ủng hộ công cuộc “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ. Tin rằng, những tấm lòng cao cả đó sẽ góp phần tạo động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chiến thắng dịch bệnh, xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam đoàn kết, an toàn và hiếu khách.

Mới đây nhất, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp hiện nay, tôi cho rằng, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chính là lời hiệu triệu, chạm đến tình cảm và trái tim của mỗi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài. Đây chính là động lực để chúng ta tiếp tục chung sức, chung lòng đẩy lùi đại dịch.

Tổ quốc – “ngôi nhà lớn” cho mọi người Việt

– Nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó là vừa phải chống dịch, vừa phải bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế. Là người từng công tác trong lĩnh vực tài chính – ngân sách của Quốc hội, ông có điều gì muốn chia sẻ về nhiệm vụ kép này?

– Ở giai đoạn hiện tại, Chính phủ đã đặt mục tiêu cao hơn, cùng với chống dịch, bảo vệ sức khỏe, là bảo đảm việc làm, đời sống của nhân dân, nên khó khăn càng gấp bội. Hiểu rõ điều này, tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu các cơ quan của Quốc hội điều chỉnh chương trình công tác để tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục theo dõi, nắm sát tình hình, và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, khẩn trương hỗ trợ Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Đó có thể là các gói hỗ trợ về thuế, vốn vay và lãi suất cho doanh nghiệp, kinh tế hộ, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, phát triển kinh tế số… ở quy mô lớn, thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực tế cho thấy, rất khó để lấy lại thời gian, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đã mất do dịch bệnh, nhất là với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề như vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, logistics, cơ khí chế tạo… Nhưng nếu có chính sách đúng và trúng, tin rằng chúng ta có thể sẽ sớm tăng tốc trở lại sau đại dịch khi thị trường toàn cầu được phục hồi.

– Những ngày qua, hàng nghìn, hàng vạn dân quân, lực lượng công an, quân đội các cấp… sát cánh cùng cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc không mệt mỏi, nằm đất, ăn vội để nhường chỗ cho những người thuộc diện cách ly. Tổ quốc Việt Nam cũng dang rộng vòng tay với con em mình là những du học sinh, người lao động… từ các nước, tâm dịch trở về nước. Những hình ảnh đó gợi lên cho ông cảm xúc gì?

– Đúng là trong khó khăn, hoạn nạn mới thấu hiểu được nghĩa tình và sự thiêng liêng của hai chữ: Đồng bào. Thực tế, các cháu du học sinh của chúng ta không về nước thì đi đâu trong bối cảnh các trường ở nhiều nước đều đóng cửa, ký túc xá, khách sạn, thậm chí cả homestay… cũng vậy, không nhận khách khi bão Covid-19 đang quét qua? Nhưng, trong những thời khắc khó khăn nhất, chúng ta đã dốc lòng, dốc sức, tổ chức đón con em, người lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước tránh dịch, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội rất cao trong công tác phòng, chống dịch. Nhìn nhận một cách khiêm tốn nhất cũng có thể thấy rằng, Việt Nam đã và đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch, tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả, cố gắng ở mức cao nhất để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, và đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân. Nhiều người còn tự hào nói rằng, đó chính là tính ưu việt của chế độ ta.

Tiến sĩ khoa học Toán – Tin Nguyễn Hùng Phong, bạn học cùng lớp ngoại ngữ với tôi (khóa 1974 – 1975), làm việc ở châu Âu đã nhiều năm cho biết, người Việt Nam ở nước ngoài có một số thành công, khá giả, nhưng số người phải bươn chải, lam lũ cũng không thiếu. Trong lúc này, chúng ta càng thấm thía hơn rằng, Tổ quốc không chỉ là nỗi nhớ mà còn là chỗ dựa tinh thần, là “ngôi nhà lớn” cho mọi người con đất Việt, bất kể bạn ở đâu, làm gì, giàu hay nghèo. Nhiều lựa chọn vốn là bất đắc dĩ nếu không nói là bất khả kháng. Rất nhiều câu chuyện cảm động về “tình quê hương – nghĩa đồng bào” đã được các bạn sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài – thế hệ vốn sinh ra sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, không biết “thời chiến” là như thế nào – chia sẻ theo cách nhìn của người trẻ từ các khu cách ly. Chính tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, sự chung tay của những người con đất Việt ấy, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để chúng ta chiến thắng đại dịch.

– Xin cảm ơn ông!

Lam Giang thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *