Trường học lý luận và thực tiễn của tôi!

Tien-si-Tran-Van-Nguyen-pho-chu-nhiem-uy-ban-tai-chinh-va-ngan-sach

TS Trần Văn – Nguyên Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương

Tôi có vinh dự về công tác tại bộ phận phía Nam của Ban Kinh tế Trung ương tại T.78 vào năm 1997 sau gần 10 năm công tác ở ngành vận tải biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Thật may mắn là khi mới về công tác, tôi đã được các chú, các anh đi trước hết lòng chỉ bảo.

Nhiều đề xuất thiết thực

Tôi nhớ mãi chú Trần Phò, nguyên là Thư ký của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã góp ý cho những báo cáo đầu tiên do tôi thực hiện. Lúc đó, cùng với Bộ phận phía Nam, tôi được tham gia nghiên cứu, theo dõi, tham mưu, đề xuất về tình hình kinh tế, xã hội vùng Nam Bộ. Phụ trách Bộ phận phía Nam của Ban khi đó là những lãnh đạo từng hoạt động ở Nam Bộ từ trong kháng chiến chống Mỹ nên rất gắn bó, am hiểu tình hình như chú Hoàng Phương Truyện, các anh Lê Văn Dỹ, Phạm Chánh Trực, Hoàng Ban, Trần Trác… Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các chú, các anh, cả về nhân cách con người, đối nhân xử thế, khả năng nghiên cứu thực tiễn, tổng hợp, phân tích tình hình và tham mưu, đề xuất ý kiến với cấp trên.

Tôi còn nhớ rõ, khi đó Ban Bí thư mới có Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 24.5.1996 về kinh tế hợp tác và hợp tác xã “kiểu mới”, nên hoạt động của Bộ phận phía Nam tập trung vào nghiên cứu thực hiện mô hình tổ chức hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên cơ sở phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, chú trọng hình thức hợp tác và HTX cung cấp dịch vụ, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho kinh tế hộ gia đình và trang trại. Có thể vì tôi có nhiều báo cáo về HTX mà đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Phan Diễn khi ấy cho tham gia đoàn nghiên cứu về mô hình HTX của Ban về kinh tế hợp tác và HTX ở CHLB Đức và Italia vào tháng 9.1999, bước chuẩn bị để xây dựng Luật HTX năm 2003.

Sau đó, tháng 6.2001 tôi còn được đi Canada cùng anh Phạm Chánh Trực, Phó Trưởng ban, cũng nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân. Lúc đó, tôi mới biết phong trào HTX thế giới đã có bề dày phát triển gần 200 năm. Từ HTX đầu tiên được thành lập năm 1844 ở Lancashire nước Anh, tới nay đã có khoảng 3 triệu HTX trên toàn cầu với khoảng 12% dân số là xã viên, tạo ra 10% việc làm và 300 HTX lớn nhất có danh thu trên 2.000 tỷ USD(1).

Kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn HTX dịch vụ nông nghiệp và một số hộ nông dân, trang trại nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ đã được sử dụng làm cơ sở cho báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển HTX nông nghiệp phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như xây dựng Luật HTX 2003 trong tổng thể những nội dung chiến lược về đổi mới quan hệ sản xuất, chính sách phát triển các thành phần kinh tế mà Ban đang nghiên cứu để chuẩn bị xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo Chiến lược kinh tế – xã hội thời kỳ 2001 – 2010 trình Đại hội IX của Đảng.

Trong thời gian này, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đất nước đến năm 2000 do Đại hội VII của Đảng thông qua đã xác định sự cần thiết phát triển ba vùng kinh tế trọng điểm ở Bắc, Trung và Nam Bộ, nên tôi được phân công tham gia xây dựng “Báo cáo thực trạng phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trong điểm phía Nam: định hướng giải pháp và kiến nghị” do anh Phạm Chánh Trực phụ trách và được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang khi đó chỉ đạo.

Sau hội nghị xin ý kiến lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng và một số bộ, ngành do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 2.8.2000 tại TP Hồ Chí Minh là hội nghị về 3 vùng kinh tế động lực ngày 16.9.2000 tại Hà Nội. Nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách trong Báo cáo về nghiên cứu khảo sát và đề xuất giải pháp tiếp tục phát triển các vùng kinh tế động lực của Ban Kinh tế Trung ương ngày ấy cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Từ rất sớm, tôi và anh Nguyễn Đức Kiên, khi đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp đã được Ban tạo điều kiện tiếp cận và nghiên cứu về mô hình phát triển bền vững của CHLB Đức trên cơ sở phát triển cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường với trọng tâm là chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của hôm nay không làm cạn kiệt tài nguyên cho các thế hệ tương lai. Tư tưởng này nay đã trở thành xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trong thời gian công tác tại Ban, tôi đã được tham gia nghiên cứu nhiều vấn đề mang tính chiến lược trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đó là các vấn đề như: xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng tiêu chí nước công nghiệp, phát triển quan hệ sản xuất, đổi mới và phát triển DNNN, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút FDI, kinh tế đối ngoại, kinh tế biên mậu, tham gia nhiều vòng đàm phán Hiệp định hàng không Việt – Mỹ…

Gắn chặt với Ban Kinh tế các tỉnh ủy, thành ủy

Khi đó hệ thống các Ban Kinh tế của các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước rất mạnh, làm nòng cốt trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, thẩm định các đề án lớn về kinh tế – xã hội của địa phương cũng như hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của cấp ủy Đảng về kinh tế – xã hội, tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ địa phương các nhiệm kỳ. Hoạt động của Ban khi đó gắn chặt với các Ban Kinh tế các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, là nơi nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và là kênh thông tin hai chiều phản ánh cụ thể tình hình thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở.

Sau này, khi ra được Ban điều động ra Hà Nội làm Giám đốc Trung tâm Thông tin kinh tế, rồi Chánh Văn phòng Ban, được trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo Ban là một vinh dự lớn cho bản thân. Tập thể lãnh đạo Ban rất mạnh với Trưởng ban là Ủy viên Bộ Chính trị, các Phó Trưởng ban hầu hết là Ủy viên Trung ương Đảng, từng là thành viên Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy. Tập thể cán bộ, chuyên viên của Ban hầu hết đã từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo khác nhau ở nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn nên rất thạo việc, nghiêm túc trong nghiên cứu, sắc sảo và chắc chắn trong tham mưu, đề xuất.

Đối với tôi, Ban là một trường học lớn cả về lý luận và thực tiễn kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành. Các cán bộ trẻ về Ban được các chú, các anh đi trước, lãnh đạo Ban dìu dắt, chỉ bảo tận tình nên sớm nắm bắt công việc, trưởng thành rất nhanh. Tới Khóa XII của Quốc hội năm 2007, thật vinh dự khi có đến 5 cán bộ của Ban Kinh tế Trung ương là các anh Nguyễn Tấn Trịnh, Cao Sỹ Kiêm, Cao Ngọc Xuyên, Nguyễn Đức Kiên và tôi cùng tham gia Quốc hội. Đó cũng có thể coi là kết quả những nỗ lực công tác không ngừng, đóng góp tích cực của nhiều thế hệ cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ.

Những kiến thức, kinh nghiệm có được sau 10 năm công tác tại Ban thực sự đã giúp ích tôi rất nhiều trong gần 3 khóa Quốc hội. Tôi cũng rất mừng là từ khi tái lập tháng 12.2012 đến nay, Ban Kinh tế Trung ương luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, làm tốt vai trò cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội.

________

(1) https://www.ica.coop/en/cooperatives/factsand-figures

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *