Xa xôi nhưng thật gần gũi

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với bà con gốc Việt Madagascar bên Tượng đài Bác Hồ ở Thủ đô Antananarivo
Sau gần một ngày bay và nối chuyến ở Dubai, chúng tôi đã tới đất nước Madagascar xinh đẹp. Khí hậu ở quốc đảo Ấn Độ Dương, đảo lớn thứ tư trên thế giới với diện tích 587 nghìn kilômét vuông, khá ôn hòa vào dịp tháng 4, khi Đoàn đại biểu cấp cao của QH Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển dẫn đầu thăm chính thức Cộng hòa Madagascar. Trên đường từ sân bay quốc tế của Thủ đô Antananarivo về khách sạn, chúng tôi thấy cây cỏ, ruộng vườn như ở quê nhà.

Kết nối quá khứ

Điều đặc biệt đầu tiên là có cộng đồng người Madagascar gốc Việt, con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của những nhóm lính thợ Việt Nam bị thực dân Pháp huy động phục vụ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trên đường hồi hương đã cập bến tại đây và lập gia đình với người dân địa phương; hoặc cháu, chắt của những tù nhân chính trị bị chính quyền thực dân lưu đày nơi đây.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các đại biểu thăm Hội chợ Thương mại châu Á – Ấn Độ Dương ở Thủ đô Antananarivo

Tại Thủ đô Antananarivo, bà con tập hợp nhau lại trong “Cộng đồng con cháu người Việt tại Madagascar”. Bà con chủ yếu nói tiếng Madagasy và tiếng Pháp nhưng luôn hết lòng hướng về quê cha đất Tổ, vẫn giữ họ tên Việt và mong muốn được tìm lại họ hàng, người thân ở Việt Nam bị ly tán trong chiến tranh.

Cuộc gặp gỡ giữa bà con và các ĐBQH Việt Nam diễn ra ngay tại Tượng đài Bác Hồ ở Thủ đô Antananarivo, thật cảm động. Đây là Quảng trường và Tượng đài mang tên Bác lớn nhất ở châu Phi, do cộng đồng con cháu người Việt tôn tạo, gìn giữ. Ngay sau cuộc gặp, Chủ tịch Hội Geatan Vũ Văn Nghĩa và bà con đã cùng Đoàn dâng hoa Tượng đài Bác Hồ.

Khi chúng tôi ghé quán cơm Việt có tên là “Le Fleuve Rouge”, nghĩa là “Sông Hồng”, chị Vicky Trần, có cha là Trần Mậu, người gốc Hà Nội, đã nấu ăn cho Đoàn. Được ăn một bữa cơm Việt với sự lai tạp một chút hương vị châu Phi thật thú vị.

Tới thăm Hội chợ thương mại châu Á, Ấn Độ Dương ở Thủ đô Antananarivo, các ĐBQH của ta bắt gặp những cô gái Madagascar trong tà áo dài truyền thống của Việt Nam (tại gian hàng Việt Nam) do Tổng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Madagascar Eric Ramiandrasoa tổ chức. Giám đốc Phòng Thương mại Việt Nam tại Madagascar Hanie Antoine đã giới thiệu với Phó Chủ tịch QH và Đoàn một số sản phẩm may mặc và hàng thủ công mỹ nghệ của Madagascar khá đẹp mắt và độc đáo.

Hướng tới tương lai

Người dân Madagascar rất quý trọng Việt Nam. Có thể do cùng từng là thuộc địa của Pháp trong quá khứ, rồi cũng phải đấu tranh giành độc lập dân tộc. Hoặc cũng có thể do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, sản xuất nông nghiệp có nhiều điểm tương đồng.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với bà con gốc Việt Madagascar bên Tượng đài Bác Hồ ở Thủ đô Antananarivo

Từ những câu chuyện tại Quốc hội cũng như các cơ quan của Chính phủ, có thể cảm nhận thấy rõ, bạn rất trông mong dòng vốn đầu tư đến từ Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông, mà cả trong nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Lý lẽ không gì khác hơn, vì bạn biết đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và có kinh nghiệm thành công. Bạn cũng mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí và coi đây là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Với 16 triệu USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều vào năm 2017, Việt Nam và Madagascar mới đang có những bước đi đầu tiên trên con đường hợp tác kinh tế. Thực sự là hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển và Việt Nam cần chủ động hơn trong hợp tác song phương vì dù sao thì nền kinh tế của ta cũng phát triển hơn.

Trong các cuộc hội kiến với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện; hội đàm với Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Madagascar cũng như các cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Tiêu dùng của Phó Chủ tịch QH và Đoàn, ở đâu cũng nghe thấy những lời tốt đẹp nhất về tình hữu nghị lâu đời, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước với những định hướng, đề xuất, kiến nghị cụ thể. Bạn đã đón tiếp Đoàn đại biểu chính thức đầu tiên của QH Việt Nam tới thăm QH Madagascar với những tình cảm chân tình, nồng hậu nhất. Cũng vì lẽ đó mà lịch làm việc của Phó Chủ tịch QH và Đoàn Việt Nam luôn kín mít. Có hôm có tới 6 – 7 hoạt động chính thức suốt từ sáng tới tối.

Chủ tịch Vùng Analamanga Rakotonanahary đã gửi gắm với Phó Chủ tịch QH và Đoàn Việt Nam một tập tài liệu dày giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của vùng và mong muốn được kết nghĩa với một địa phương cụ thể của Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, quản lý nhà nước và nhất là hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác, chế biến nông sản.

Thời gian trên đất nước của bạn không nhiều, nhưng câu chuyện về mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc như đã thân thuộc tự bao giờ và dường như không thể dứt. Để rồi, khi chia tay Antananarivo và những người bạn vô cùng bình dị và hồn hậu, mỗi thành viên trong Đoàn ĐBQH Việt Nam đều cảm thấy Madagascar tuy xa về địa lý, nhưng thật gần gũi, thân thiết.

Với gần 25 triệu dân theo số liệu năm 2016, Madagascar còn khá nghèo. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 400 USD/năm. Tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập bình quân dưới 1 USD/ngày) xấp xỉ 70%. Giao thông kém phát triển. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu trông chờ vào nước mưa, do chưa có hệ thống thủy lợi. Tỷ lệ hộ dân tiếp cận nước hợp vệ sinh, điện năng rất thấp.

Madagascar có hệ sinh thái tự nhiên, động thực vật quý hiếm, độc đáo, như loài vượn cáo, cây baobap, niềm tự hào của người dân nơi đây. Đất nước này có trữ lượng lớn quặng titan, cromit, than đá, sắt, đồng, niken và một số loại đá quý và đá bán quý.

Madagascar có một số sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, cà phê, cọ sợi, cây hương liệu như vani, đinh hương, hoàng lan, thủy hải sản, chủ yếu được sơ chế để xuất khẩu.

Ghi chép của Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *