Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội được ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu và nhiệm vụ như:
- Đến năm 2025 sẽ có 100% số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quản trị hiện đại trên nền tảng số, tiệm cận với các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
- Phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi vào một số ngành, lĩnh vực mới hoặc có tính chất quan trọng như: năng lượng, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính ngân hàng, công nghiệp viễn thông, công nghiệp bán dẫn, công nghệ lõi…
- Xây dựng ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu (CSH) hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô-la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức hơn 5 tỷ đô-la Mỹ cũng cần có những cơ chế cho phép tích lũy và đầu tư mở rộng hay tăng vốn chủ sở hữu.
- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn để phát huy vị trí vai trò mở đường dẫn dắt của ngân sách nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đã yêu cầu sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả vốn, đất đai, tài sản của Nhà nước và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, chú ý tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí.
Để đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nghị quyết của Chính phủ cũng đã yêu cầu sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả vốn, đất đai, tài sản của Nhà nước và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, chú ý tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí.
Suy cho cùng, để tập thể, cá nhân lãnh đạo và các doanh nghiệp nhà nước “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” không thể thiếu được một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, công bằng, công khai, minh bạch về quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới nhiều rủi ro, thách thức nhưng cũng không thiếu những cơ hội cho cả chủ sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Vậy nên, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước là vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện quyết liệt theo phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”.