50 năm và những câu chuyện tuổi học trò

50-nam-va-nhung-cau-chuyen-tuoi-hoc-tro
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tuy chỉ học với nhau 2 năm ngắn ngủi, cũng không có được tấm ảnh nào chụp chung ngày đó, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ được những kỷ niệm đẹp nhất về thời học sinh ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, để mỗi khi gặp lại nhau là rôm rả, tíu tít hàn huyên.

Khu đô thị kiểu mẫu một thời

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ có lẽ là một trong số các khu tập thể đầu tiên của Hà Nội, được xây dựng trong giai đoạn 1960 – 1965 như Kim Liên, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Văn Chương, đánh dấu thời kỳ phát triển của miền Bắc trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ có các dãy nhà 4 tầng xây bằng gạch nằm giữa các phố Nguyễn Công Trứ, Trần Cao Vân, Lê Gia Đỉnh và Yên Bái. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đây vốn là đất khu nghĩa địa Tây, đã di dời sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nên khi chúng tôi học ở đó vẫn còn nhiều tảng đá lớn, vốn là bia mộ, nằm rải rác dọc hè phố.

 Nhóm học sinh lớp 7B Trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Công Trứ niên khóa 1969 - 1970 về thăm trường cũ ngày 31.3.2021
Nhóm học sinh lớp 7B Trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Công Trứ niên khóa 1969 – 1970 về thăm trường cũ ngày 31.3.2021

Tiếng máy dệt chạy rào rào của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân và mùi bã rượu thơm lừng mỗi sáng của Nhà máy Rượu Hà Nội là những thứ đặc trưng của khu vực này khi ấy, nhất là dọc phố Hòa Mã, Nguyễn Công Trứ.

Hồi mới xây dựng xong, khu tập thể Nguyễn Công Trứ từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa với hạ tầng hoàn chỉnh. Giữa các dãy nhà là khoảng sân chơi rộng trồng nhiều cây xanh. Trong khu cũng có nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cửa hàng bách hóa mậu dịch, chợ. Trường Phổ thông cấp 2 Nguyễn Công Trứ của chúng tôi nằm ngay bên trái một trong hai trục đường chính của Khu tập thể.

Sau 60 năm, nay Khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã xuống cấp, cũ nát do không được thường xuyên duy tu, sửa chữa, do cơi nới và quá tải về dân cư lẫn hàng quán. Tuy vậy, nơi đây vẫn đầy ắp kỷ niệm xưa của lũ trẻ học sinh chúng tôi vốn chủ yếu sống trên các con phố gần đó.

Những kỷ niệm đẹp thời học sinh

Sau khi khai giảng năm học mới 1969 – 1970 ở nơi sơ tán thì chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kết thúc, lũ trẻ chúng tôi lục tục trở lại Hà Nội. Tôi từ Trường Nội trú số 1 Hà Nội ở huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, về nhập học lớp 6B, Trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Công Trứ theo đúng tuyến, vì nhà tôi ở phố Tăng Bạt Hổ.

Sau khi nhập học, tôi có thêm nhiều bạn mới ở các con phố quanh đó như Thống Nhất, Phú, anh em Hiệp – Hưng ở phố Trần Xuân Soạn, Bình ở phố Đồng Nhân, Bảo, Trung, Thạch và Mai ở phố Huế, Hiếu và Trác ở phố Nguyễn Công Trứ, Hiển ở ngay chợ Trời (nay là chợ Hòa Bình)… Lớp tôi có một bạn tên Hoàng Khánh Văn, được gọi là Văn A, còn tôi là Văn B. Sau này, hầu hết các bạn đều thành đạt trong cuộc sống, giờ đã là ông bà nội, ông bà ngoại đáng kính. Chỉ tiếc là hai bạn Bảo và Bình tham gia chiến đấu bị nhiễm chất độc màu da cam mà di chứng đến đời con cháu, trong đó Bình bị mất sức tới 61%.

Mới đây tôi được gặp lại các bạn sau nửa thế kỷ ở quán Pizza Lò củi trên phố Lương Ngọc Quyến của bạn Bình trong một ngày đầu xuân ấm áp. Tôi không nhớ ngay ra tên tất cả các bạn, nhưng chỉ ít phút sau, ký ức ùa về với những câu chuyện hồi nhỏ như các bạn đến nhà nhau chơi như thế nào, rủ nhau đi học ra sao, ai ngồi bàn nào với ai, thầy cô nào từng dạy môn học nào…

Hồi đó lớp rất đông, có lẽ đến hơn 60 học sinh, nên các thầy cô chắc phải rất vất vả duy trì trật tự để dạy học, nhất là khi chúng tôi trở về từ nơi sơ tán, từ nhiều trường, địa phương, nên năng lực học tập và tiếp thu rất khác nhau. Thầy Độ chủ nhiệm lớp 6B của chúng tôi, nhà ở phố Thi Sách, dạy môn toán. Lên lớp 7B thì cô Phượng, cũng là giáo viên dạy toán, làm chủ nhiệm, nhà cô ở phố Triệu Việt Vương. Rồi cô Ngà dạy văn, cô Phúc dạy sinh vật, cô Chung dạy địa lý… Chính các thầy cô đã có công dạy dỗ chúng tôi trưởng thành cả về nhân cách và tri thức. Hai bạn lớp trưởng là Bảo lớp 6B và Yến lớp 7B được các bạn nhớ đến nhiều nhất.

Bạn Thống Nhất nhớ lại, ngày ấy trong sân trường còn có hai dãy hầm trú ẩn nửa chìm nửa nổi xây hình chữ chi, học sinh chúng tôi hay chui vào đó chơi. Bạn Trác thì nhớ trên trục phố Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài, tàu điện leng keng chạy từ chợ Mơ lên Bờ Hồ nên lũ học sinh hiếu động đua đòi nhẩy lên, xuống tàu điện khi nó đang chạy, thi thoảng bị ngã sấp mặt. Ngã thì rất đau nhưng xót nhất vẫn là bị rách áo hay rách quần vì tiêu chuẩn chỉ được mua 4 mét vải một năm theo tem phiếu cho một người dân, vừa đúng 1 bộ.

Các bạn hồi đó hay đến nhà nhau chơi hay học nhóm. Có bạn nhớ là đến nhà tôi chơi được ăn bánh mỳ kẹp mứt hay được xem mấy quyển album tem. Hồi đó chiến tranh, có được mấy con tem nước ngoài là do mẹ tôi xin phong bì cũ ở Ban Đối ngoại Tổng công đoàn (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) mang về ngâm nước để bóc ra, hong khô rồi cho vào quyển tem. Đến bây giờ, qua bao nhiêu lần chuyển nhà, tôi vẫn giữ được bộ sưu tập tem ngày xưa đó. Bạn Bình còn nhớ là giữa trưa mẹ tôi tranh thủ giờ nghỉ đạp xe từ Tổng Liên đoàn về nhà xem các con ăn uống ra sao, có học bài không, vì lúc đó bố tôi đi chiến trường, ở nhà chỉ còn 4 mẹ con.

Mới đây, chúng tôi về thăm lại trường xưa, nay là Trường Mẫu giáo Nguyễn Công Trứ, được cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng tiếp chuyện, mới biết là trường của chúng tôi đã giải thể năm 1975. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tuy chỉ học với nhau 2 năm ngắn ngủi vì khi lên cấp 3 các bạn tỏa đi các trường khác nhau trong thành phố, cũng không có được tấm ảnh nào chụp chung ngày đó do chiến tranh, nghèo khó, nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ được những kỷ niệm đẹp nhất về thời học sinh ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ để mỗi khi gặp lại nhau là rôm rả, tíu tít hàn huyên.

Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII, cựu học sinh Trường phổ thông cấp 2 Nguyễn Công Trứ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *