Thêm một bước đổi mới

khai-mac-ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiv
Trong bối cảnh cả nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan, tại Phiên họp lần thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã đồng ý tổ chức Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, theo phương thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đây là cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động và cũng là một kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả nước tập trung chống dịch và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Đây cũng là cách Quốc hội kiểm nghiệm năng lực công nghệ thông tin hiện có của mình trên con đường tiến tới Quốc hội số.
Cách thức mới – trải nghiệm mới

Trang tin điện tử ipu.org của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) ngày 1.4.2020 có thông tin về cách các Nghị viện thành viên tổ chức hoạt động trong đại dịch Covid-19. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo của IPU, các nghị viện có nhiều giải pháp khác nhau để duy trì hoạt động. Nơi thì vừa kết hợp giãn cách xã hội làm việc online và chỉ ít người đến trụ sở; nơi thì sử dụng mạng ảo nội bộ (VPN) sẵn có để đại biểu và đội ngũ chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật làm việc từ xa. Các ứng dụng công nghệ như Microsoft Office 365 được Nghị viện Anh, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan sử dụng, trong khi các Nghị viện khác dùng các ứng dụng hội nghị trực tuyến thông dụng online videoconferencing như Zoom, Microsoft Team Skype, Cisco Web Meeting, Google Hangout. Ví dụ như  Brazil đã sử dụng ứng dụng Zoom để kết nối hơn 500 nghị sĩ. Còn theo trang tin điện tử của Nghị viện châu Âu europarl.europa.eu, từ ngày 26.3 vừa qua, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu đã tạm thời sử dụng hệ thống biểu quyết điện tử qua email cho đến ngày 31.7 năm nay nếu không được gia hạn.


Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại Phiên bế mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV.
Ảnh: Trí Dũng
Như Báo Đại biểu Nhân dân đưa tin ngày 25.4.2020, trong bối cảnh cả nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan, tại Phiên họp lần thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tổ chức Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, theo phương thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Trước phiên họp tập trung tại Nhà Quốc hội dự kiến từ 10 – 19.6 như thường kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của Quốc hội và là số rất ít trong số các Nghị viện thế giới, Quốc hội sẽ họp trực tuyến từ ngày 20.5 – 4.6 để kịp thời thảo luận 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và nhiều báo cáo quan trọng về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, bao gồm cả những nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và xem xét việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, đây là cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động và cũng là một kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, hiệu triệu cả nước tập trung chống dịch và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Đây cũng là cách Quốc hội kiểm nghiệm năng lực công nghệ thông tin hiện có của mình trên con đường tiến tới Quốc hội số (digital Parliament) sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Các hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu truyền hình tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được thực hành thường xuyên nhiều năm gần đây. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua, hàng loạt hội nghị quan trọng họp trực tuyến với các địa phương có kết quả rất tốt. Với nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, với sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông nhà nước hàng đầu của Việt Nam như VNPT, Viettel, chắc chắn Văn phòng Quốc hội sẽ bảo đảm một cách tốt nhất chất lượng các phiên họp trực tuyến cho dù áp lực công việc đối với đội ngũ cán bộ phục vụ Quốc hội cũng rất lớn trong công tác chuẩn bị và thích ứng với những yêu cầu khắt khe của các phiên họp trực tuyến.

Cách tổ chức họp Quốc hội trực tuyến để giải quyết một số nội dung của kỳ họp có thể mang lại những trải nghiệm mới. Các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp cận các ứng dụng thường nhật đã được nâng cấp hoặc ứng dụng mới như: Khai thác, sử dụng tài liệu; đăng ký phát biểu; xin ý kiến đại biểu; biểu quyết… Các phát biểu thảo luận, tranh luận của đại biểu dễ dàng được ghi âm, ghi hình, bóc băng kịp thời, làm tài liệu lưu hành trong kỳ họp.


Toàn cảnh Khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV
Ảnh: Văn Điệp

Mong chờ những tín hiệu tích cực

Khi tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đại biểu công tác tại Hà Nội nhưng không thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ tham gia thảo luận cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc hoặc Thường trực các Ủy ban của Quốc hội. Ví dụ, đó là phiên thảo luận tổ dự kiến vào chiều 25.5 về báo cáo về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Sau các phiên thảo luận, dự kiến, ngày 29.5, lần đầu tiên, khác với những lần cho ý kiến trước trên thiết bị di động, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động để thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA), Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Với tính chất là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ cấu của Quốc hội có gần 70% là đại biểu kiêm nhiệm, nên việc họp trực tuyến còn giúp các đại biểu kiêm nhiệm thuận lợi hơn trong giải quyết các công việc thường nhật theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Về phương diện nào đó, có thể các đại biểu cũng tự tin hơn khi phát biểu tại địa phương mình về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng có thể mời cử tri “dự khán” các phiên họp trực tuyến tại phòng họp của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Như vậy, số lượng cử tri được “dự khán” trực tiếp kỳ họp của Quốc hội ở địa phương sẽ tăng lên, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Quốc hội và cử tri, khoảng cách giữa từng đại biểu Quốc hội và cử tri.

Bên cạnh đó, về khía cạnh ngân sách hoạt động thì thời gian họp trực tuyến sẽ tiết kiệm được một số chi phí, như vé máy bay, tàu xe, ăn nghỉ, đưa đón, in ấn, chuyển phát tài liệu… không chỉ với đại biểu mà cả bộ máy giúp việc, nhất là trong năm 2020 khi mà thu ngân sách đạt dự toán đã được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ rất khó khăn, đặt ra yêu cầu thực hành tiết kiệm một cách thực chất ở mọi cấp, mọi ngành và lĩnh vực.

Chắc chắn các đại biểu Quốc hội đang rất háo hức, mong chờ những hiệu ứng tích cực, hiệu quả thiết thực thông qua bước đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp lần này.

TS. Trần Văn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *