Đầu nguồn nước của đồng bằng sông Hồng

dau-nguon-nuoc-cua-dong-bang-song-hong
Trở lại Tây Bắc cùng Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, làm việc với một số địa phương về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã phải thốt lên: Tây Bắc lần này đã “xanh hơn, đường sá tốt hơn, cuộc sống của bà con các dân tộc khấm khá hơn hẳn!”

Bố trí đủ nguồn vốn sửa chữa hồ đập xung yếu

Nằm trên lưu vực của sông Đà, sông Mã và sông Đáy nên Hòa Bình có tiềm năng nước mặt trung bình hàng năm khoảng 57,5 tỷ mét khối, cùng với các tỉnh Tây Bắc là đầu nguồn nước cung cấp nước cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng. Tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi, tuy nhiên trong đó có tới 192 hồ hư hỏng, xuống cấp, cần được sửa chữa. Một số hồ đã được đưa vào chương trình an toàn hồ đập của Ngân hàng Thế giới, còn 48 hồ có nguy cơ mất an toàn cao cần sửa chữa ngay với kinh phí khoảng hơn 300 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác khảo sát tại hồ Nậm Khẩu Hu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Ảnh: Trung Thành

Tại hồ Cánh Tạng, huyện Lạc Sơn, Đại tá Trương Danh Trung, Tổng công ty Trường Sơn, đang thi công phần đập chính cho biết, đây là hồ thủy lợi lớn nhất Tây Bắc có dung tích 90 triệu mét khối tưới cho trên 24 nghìn hecta đất nông nghiệp thuộc 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, hiện đang được tỉnh tích cực chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

Với độ che phủ rừng khá ấn tượng 44,5%, Sơn La có sông Đà và sông Mã chảy qua với tổng lượng nước mặt khoảng 19 tỷ mét khối/năm, trữ lượng khai thác tiềm năng khoảng 3,98 triệu mét khối/ngày, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn. Sơn La có 2.698 công trình thủy lợi, trong đó có 107 hồ chứa, 959 đập dâng, nhưng hiện có một số hồ đập bị hư hỏng do nước thấm qua thân đập, sụt lún mái đập, lòng hồ bị bồi lấp vì xây dựng đã lâu lại chịu nhiều trận lũ lớn nhưng chưa bố trí được nguồn vốn để sửa chữa. 65 thủy điện nhỏ, trong đó 48 công trình đã vận hành được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phòng, chống thiên tai, kiểm định an toàn, bảo đảm vận hành an toàn và chống lũ.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã khảo sát hồ Bản Mòng, dung tích 10 triệu mét khối ở xã Hua La, phía Tây Nam thành phố Sơn La, tổng mức đầu tư 728 tỷ đồng, có nhiệm vụ phòng, chống lũ quét, cắt giảm lũ cho thành phố Sơn La, tạo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất kết hợp phát triển du lịch. Công trình đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào tháng 6 năm sau.

Tại Điện Biên, sau khảo sát các hồ chứa nước Pa Khoang, Khẩu Nậm Hu, các ĐBQH rất xúc động khi tới thăm Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, hoàn thành năm 1969, công trình thủy lợi đầu tiên, lớn nhất của các tỉnh Tây Bắc ngày ấy, nay đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa của tỉnh, có nhiệm vụ tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh và cung cấp nước cho người dân. Trong chiến tranh công trình đã nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá làm 16 cán bộ, công nhân viên hy sinh. Các hồ chứa nước của Sơn La được thường xuyên kiểm tra, vận hành, điều tiết nước đúng quy trình. Tỉnh mong muốn sớm được xây dựng chùm 5 hồ chứa nước với tổng mức đầu tư 1.230 tỷ đồng và bố trí 180 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 8 hồ đập hư hỏng, xuống cấp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.

Do địa hình bị chia cắt mạnh, núi cao, độ dốc lưu vực lớn nên khi có mưa lớn Lào Cai thường bị lũ quét, sạt lở đất. Nhưng, cũng nhờ lượng mưa phong phú và yếu tố địa hình mà tổng lượng nước mặt toàn tỉnh đạt khoảng 28 tỷ mét khối/năm. Độ che phủ rừng cao, ước đến cuối năm 2020 đạt 57%, đã góp phần giữ nước, điều hòa nước. Tuy nhiên, do lượng mưa phân bổ không đều, lại phụ thuộc vào việc sử dụng nước trên thượng nguồn nên vẫn có những thời điểm khô hạn, nên trong số 108 hồ thủy lợi nhưng tổng dung tích khá nhỏ hiện có, tỉnh mong muốn sớm được bố trí nguồn vốn để sửa chữa gấp 20 hồ bị hư hỏng và xây mới một số hồ đập để chủ động tích trữ nước.

Các tỉnh Tây Bắc đều mong muốn được bố trí đủ nguồn vốn để sửa chữa hồ đập xung yếu xuống cấp; thực hiện các dự án thủy lợi trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, hạn hán, duy trì môi trường sinh thái. Sớm triển khai Đề án bảo vệ và phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, ứng dụng các hệ thống cảnh bảo, dự báo để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, sớm có phương án quy hoạch tổng thể các giải pháp bảo vệ bờ, bãi sông là đường biên cho các tỉnh biên giới.

Xây dựng quy hoạch thủy lợi với tầm nhìn dài hạn

Chủ yếu dành thời gian trao đổi trực tiếp với các địa phương và đại diện lãnh đạo 2 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường ngay tại công trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá tài nguyên nước các tỉnh Tây Bắc khá dồi dào với hệ thống hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống người dân, cơ bản bảo đảm an toàn, quản lý vận hành theo quy trình, giữ được rừng, giữ được nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương chú ý xây dựng quy hoạch thủy lợi với tầm nhìn dài hạn, ít nhất đến năm 2045 có phân kỳ đầu tư và bố trí hợp lý các nguồn lực, tiến tới liên thông về nước. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; thực hiện thủy lợi đa mục tiêu; tính đúng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để có lộ trình giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân như quy định tại Luật Thủy lợi. Từ đó, thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội cũng như khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện phân cấp phân quyền hợp lý; sớm sửa chữa các hồ đập hư hỏng, xuống cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn các địa phương làm tốt phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ nhờ khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bằng hệ thống cây bản địa; giữ nước tại chỗ bằng hệ thống hồ đập, kênh dẫn; người dân tham gia bảo vệ nguồn nước tại chỗ; phân phối nước hợp lý tại chỗ. Các địa phương cần đưa an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, một vấn đề cấp bách hiện nay cũng như trong tương lai, thành nội dung trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, làm cơ sở cho việc quy hoạch lại dân cư, khu cụm công nghiệp gắn với phát triển thủy lợi, phát triển rừng, phân cấp quản lý hồ đập hợp lý.

Các ĐBQH đặc biệt chú ý tới đề xuất của chuyên gia thủy lợi Hoàng Văn Thắng, xây dựng tuyến ống dẫn nước từ hồ thủy điện Hòa Bình về Hà Nội, Hòa Bình và một số địa phương khi mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình với 2 tổ máy bên bờ phải đập thủy điện. Đây được coi là cơ hội lịch sử để thực hiện mục đích bảo đảm nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và cảnh quan môi trường.

Rời Cột cờ Lũng Pô tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai – địa đầu Tổ quốc thiêng liêng, nơi sông Hồng đổ vào nước ta – các ĐBQH cảm nhận rõ hơn trọng trách của mình trong việc tham gia hoạch định chính sách, định hướng chiến lược an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chiến lược phát triển rừng, kế hoạch chỉnh trị các dòng sông, tạo đà cho cải cách quản trị nước quốc gia, mang lại lợi ích lâu dài, thiết thực cho đất nước và người dân.

TS. TrầN VăN – ĐBQH Khóa XII, XIII

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *