LTS: Triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015 – 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”, vừa qua, Đoàn giám sát của UBTVQH đã tổ chức hội nghị về thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. Các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm khôi phục vị thế của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam. |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành cơ khí chế tạo là không nhỏ. Với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6 – 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD thì có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, mặc dù đã có một số bước tiến quan trọng, một số doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo đã có những bước phát triển đột phá, nhưng về tổng thể rất nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam vẫn đang dần tụt hậu so với các nước trong khu vực và Việt Nam vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế để Việt Nam không bị thua thiệt trước sự cạnh tranh với nước ngoài khi mở cửa tham gia thị trường toàn cầu.
Những tác động của Công nghiệp 4.0
Công nghiệp 4.0 đang thay đổi mô hình và cách thức sản xuất, kinh doanh truyền thống và tạo ra những mô hình và cách thức sản xuất mới với vô số giải pháp tích hợp công nghệ qua các hệ thống mạng hiện hữu CPS (cyber-physical systems) trong quá trình sản xuất cũng như logistics và CPS kích hoạt kết nối mạng trên nền internet (internet-based) với tất cả thành phần tham gia chuỗi sáng tạo giá trị nhằm làm gia tăng hiệu suất sản xuất. Công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành cơ khí chế tạo dựa trên quá trình số hóa, cập nhật phần mềm mới trên máy móc thiết bị, các quy trình sản xuất cũng như quản lý. Công nghiệp 4.0 làm tăng khả năng kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và dịch vụ hỗ trợ, cũng như tăng khả năng kết nối giữa doanh nghiệp và thị trường. Công nghiệp 4.0 làm gia tăng khả năng linh hoạt của ngành cơ khí chế tạo trên cơ sở liên kết giữa các thành phần phần cứng và phần mềm trong quản lý, điều tiết hoặc giám sát hệ thống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát Công ty Cổ phần Cơ khí số 1 Hà Nội ngày 27.3.2019 |
Công nghiệp 4.0 đang tạo ra những giá trị và mô hình kinh doanh mới trên nền tảng CPS, kết nối internet tốc độ cao và điện toán đám mây. Chi phí đầu tư của doanh nghiệp sẽ giảm vì họ không cần phần mềm hay hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) riêng. Có vẻ như các doanh nghiệp cơ khí chế tạo lớn có thuận lợi hơn khi tiếp cận công nghiệp 4.0 vì quy mô sản xuất và khả năng tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn này sẽ khuyến khích nhà cung cấp chủ yếu của họ, vốn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước đổi mới công nghệ để phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi giá trị trên nền tảng kết nối internet.
Các chuyên gia của Đức đã chỉ ra những lợi ích tiềm năng từ việc áp dụng công nghiệp 4.0 có thể làm giảm tiêu hao vật tư từ 30 – 40%, chi phí sản xuất 10 – 20%, chi phí logistics 10 – 20%, giảm tới 60 – 70% tính phức tạp của sản xuất, chi phí cho chất lượng giảm 10 – 20%, chi phí sửa chữa giảm 20 – 30%. Tất cả sẽ tác động tích cực đến năng lực cạnh tranh của ngành và sản phẩm cơ khí chế tạo.
Theo kết quả điều tra, khảo sát một số doanh nghiệp cơ khí chế tạo của Tổng hội Cơ khí Việt Nam, tuy đa số doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ và đã tiến hành đầu tư đổi mới công nghệ hoặc đang xây dựng dự án đầu tư công nghệ, nhưng vẫn còn khoảng 30% số doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc này, chưa có chiến lược phát triển doanh nghiệp hoặc chưa định hướng được phương thức, hướng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn dự án đầu tư của các doanh nghiệp cơ khí trong nước có kinh phí dưới 10 tỷ đồng, trình độ công nghệ của thiết bị hoặc dây chuyền thiết bị ở mức trung bình tiên tiến (cơ khí hóa kết hợp tự động hóa), ít dự án đầu tư công nghệ mang tính thật sự đổi mới, nâng cao hẳn trình độ công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm công nghệ mới cho doanh nghiệp.
Sự cạnh tranh rất khốc liệt và nhiều khi không bình đẳng từ các công ty nước ngoài và là người đi sau trong hội nhập quốc tế nên để các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu là rất khó. Đầu tư cho cơ khí chế tạo yêu cầu vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, trong khi thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước hữu hiệu, cộng với lãi suất ngân hàng cao đã làm giảm hiệu quả đầu tư, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, do vậy không thu hút được các nhà đầu tư.
Do đó, có thể nói, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phải vượt qua chính là việc hoạch định một chiến lược phát triển phù hợp, phân tích lợi ích/chi phí của cộng đồng công nghệ trong môi trường thiếu các quy định chặt chẽ về bảo mật dữ liệu, bí quyết công nghệ và hệ thống tiêu chuẩn thống nhất khi tham gia chuỗi giá trị sản xuất và kết nối internet. Tối ưu hóa quá trình sản xuất tự động hóa cao luôn là một yêu cầu thường trực của quá trình quản lý.
Chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Tổng hội Cơ khí Việt Nam, các doanh nghiệp còn thiếu chiến lược tổng thể trong đầu tư ứng dụng CNTT. Phần lớn doanh nghiệp cơ khí ứng dụng CNTT tự phát theo yêu cầu công việc của từng bộ phận, tỷ lệ đầu tư không cân đối giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ, trong đó tỷ lệ đầu tư cho phần cứng khá lớn, chiếm từ 50 – 80%, dẫn đến không tối ưu các khoản đầu tư, nên hiệu quả đầu tư cho ứng dụng CNTT không cao. Đa phần doanh nghiệp cơ khí chưa sẵn sàng chấp nhận thay đổi quy trình quản lý sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế. Hầu hết doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao. Những hạn chế này ảnh hưởng đến chất lượng và tốc độ đổi mới công nghệ, tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp cơ khí chế tạo.
Nhận rõ những hạn chế này, UBTVQH đã và đang triển khai giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015 – 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Thời gian qua, Đoàn giám sát của UBTVQH và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát thực tế và làm việc với một số địa phương, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Hội nghị về thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam cũng đã được tổ chức với sự tham dự và chủ trì của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cùng hơn 80 đại biểu là đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện một số Ủy ban của QH, các bộ, cơ quan liên quan, các cán bộ khoa học, doanh nhân thuộc Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam và một số viện, trường, chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Hội nghị nhận được nhiều góp ý tích cực, thẳng thắn của cộng đồng những người làm khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, coi đây là sự kiện quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ nói chung, ngành cơ khí chế tạo nói riêng. Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá thực trạng của ngành cơ khí chế tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, xây dựng định hướng phù hợp nhằm khôi phục vị thế và thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo Việt Nam.
_________
Tài liệu tham khảo:
1. Christian Schroider, The Challenges of Industry 4.0 for Small and Medium-sized Enterprises, FES, 2017.
2. Wolfgang Schroeder. Germany’s Industry 4.0 strategy. Rhine capitalism in the age of digitalisation. 2016.
3. Kỷ yếu Hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam”, Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, Hà Nội, tháng 5.2019.