Dòng chảy nghị trường, dòng chảy cuộc sống

dong-chay-nghi-truong-dong-chay-cuoc-song
Người làm quản lý bận rộn, dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí đã là quý rồi. Đằng này lại viết báo đều tay và viết say sưa như nhà báo chuyên nghiệp thì quá hiếm. TS. Trần Văn là người như thế!

TS. Trần Văn

Nhiều năm là ĐBQH, từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách và bây giờ là Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội, cách nhìn nhận của anh luôn thể hiện một chuyên gia am tường kinh tế, hiểu sâu rộng về chính sách vĩ mô. Những bài viết của anh đón trước, định hướng chính sách, cũng là giải tỏa trăn trở âu lo của xã hội trước những dòng chảy biến động của cuộc sống: “EVFTA – song hành cơ hội và thách thức”, “Ứng phó với đại dịch”, “Nâng tầm nhận thức về an ninh nguồn nước”… Cũng có khi anh quan tâm mổ xẻ những vấn đề đặt ra với các ngành kinh tế cụ thể: “Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển”, “Đường sắt Việt Nam – “con rồng” cần sớm được đánh thức”,”Cơ khí chế tạo – “xương sống”của nền kinh tế”…

Viết về các vấn đề vĩ mô thường dễ khô khan, lý thuyết. Đã thế, Trần Văn có “cái khó” bởi ngoài vai trò chuyên gia anh còn là người mà ở ta vẫn nói là có “vị trí xã hội”. Ở vị trí ấy, tiếng nói chuyên gia có bị át đi bởi trách nhiệm của nhà quản lý, phải thuyết minh cho chính sách nhiều hơn là phản biện? Thế nhưng, đọc bài viết của Trần Văn, lại không hề có cảm giác vướng víu ấy. Tri thức của một chuyên gia, trách nhiệm đại biểu nhân dân đã giúp anh luôn tìm được chỗ đứng hợp lý cho từng luận điểm. “Cần thay đổi cách thức làm luật”, “Phát triển kinh tế tư nhân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm…” cho thấy nỗi quan tâm đau đáu của anh là sự phát triển phải vì lợi ích nhân dân, phát triển phải bền vững.

Là Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội, anh đi nhiều nơi và lắng lại là những bài viết về vẻ đẹp, sự phát triển trên mọi miền Tổ quốc. Ở đây, cái nhìn sâu về kinh tế vĩ mô được bổ sung bởi năng lực phát hiện vấn đề tinh tường của một người viết báo không kém phần chuyên nghiệp. Từ vùng núi đến miền biển, từ Lai Châu, Yên Bái đến Huế “thành phố di sản”, ra tận “đảo ngọc” Phú Quốc…, nơi nào cũng có cái mới, có độ đằm sâu và trăn trở của tư duy phát triển. Có bài viết Trần Văn hoàn thành sau chuyến đi, nhưng cũng có bài cảm giác như anh viết ngay tại trận, thông tin còn nóng hổi, không đao to búa lớn nhưng cái “mắt thấy, tai nghe”, người thật, việc thật lại có giá trị riêng không trộn lẫn.

Mở rộng biên độ là những chuyến anh được tháp tùng lãnh đạo Quốc hội ra nước ngoài, từ xa nhìn bạn, nhìn mình, thấy cái tốt của bạn để học hỏi, thấy cái hay của mình để tự hào. “Việt Nam – Madagascar: Xa xôi nhưng thật gần gũi”, “Bảo vệ động vật hoang dã ở Tanzania: Từ ý thức đến pháp lý”, “Viettel Tanzania – Vầng hào quang của Việt Nam ở châu Phi”, “Nhịp sống kinh tế nước Nhật”, “Kinh nghiệm của Italy: Hãy tu bổ tốt cái cũ trước khi xây mới”, “Vừa là đối tác, vừa là bạn bè…”. Có những chi tiết tưởng như thoáng qua mà Trần Văn ghi lại được về tình cảm đồng bào, về người bạn Việt kiều xa quê mời các thành viên đoàn Quốc hội đến chơi nhà, ấm áp, bình dị như chuyến công tác Hungary của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Chi tiết nhỏ mà thấy cách ứng xử văn hóa của cả chủ và khách, cảm nhận được tấm lòng người Việt hướng về quê nhà sâu đậm! Người ghi lại được những chi tiết ấy, thong thả viết thành bài, thì không ai dám nói viết báo cho vui, viết báo nghiệp dư mà đã rõ nét một phong cách báo chí nghiêm túc và có phần chuyên nghiệp!

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến những bài viết của Trần Văn về miền ký ức của anh. Đó là ký ức về trường học sinh miền Nam Nguyễn Văn Bé, ký ức về trường nội trú số 1 Hà Nội, hay giản dị như “Ký ức một thời tết bao cấp ở Hà Nội”, rồi “Phố tôi, một thời chưa xa”… Có những khoảnh khắc, những quãng thời gian hạnh phúc của đời người được anh ghi lại như “Thời thanh niên sôi nổi” ở nước Nga”, “Khoảnh khắc trở thành người đại biểu nhân dân”.  Lại có lúc, Trần Văn hoài niệm về người cha vợ đáng kính, người đã góp phần quan trọng làm nên huyền thoại đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà anh đúc kết ngắn gọn là “Tướng trận huyền thoại, người cha hiền từ”… Những trang viết ký ức như dấu lặng làm mềm hơn hình ảnh TS Trần Văn – nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, để thấy nổi lên tấm lòng với bạn bè, với gia đình, với những ơn nghĩa của quê hương, đất nước. Chính cái tình ấy làm những trang viết đằm sâu, thuyết phục hơn. Chữ tình ấy dường như cũng lý giải vì sao bận rộn với công việc hàng ngày, Trần Văn vẫn dành thời gian cho những trang viết để trải lòng mình, để đền đáp những ân nghĩa cuộc đời mà từ bên ngoài nhìn vào thấy anh có phần may mắn. Được cấp trên tin cậy, bè bạn nể trọng, người vợ hiền thấu hiểu để anh đi đến cùng những hoài bão của mình, ở đời này dễ mấy ai có được.

Tôi chỉ mới quen biết anh Trần Văn khi về công tác tại báo Đại biểu Nhân dân. Không dám nói là hiểu hết những bài viết của anh, chỉ ghi lại những cảm nhận về một người viết báo nghiêm túc, trách nhiệm, say sưa với đời, với nghề. “Dòng chảy nghị trường” của anh không chỉ trong phòng họp mà thể hiện nhiều hơn là dòng chảy cuộc sống đa thanh, đa diện bên ngoài. Khi báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Giải Marathon Di sản Hà Nội năm 2018, Trần Văn đăng ký đường chạy 5km. Đấy là lần đầu anh tham gia một giải chạy bộ. Thế mà chỉ một năm sau, anh đã đủ sức tham gia chặng đua bán Marathon (21km) và về đích rất sớm. Sống mạnh mẽ và nội lực như thế, những bài viết của anh luôn tràn đầy sự ấm áp, nhân văn, luôn thấy đường đi ngay cả khi khó khăn nhất cũng là điều dễ hiểu!

Đỗ Chí Nghĩa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *