Ứng phó với đại dịch

ung-pho-dai-dich-covid
Tính đến trưa 15.3, đã có 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận dịch Covid-19, hơn 155.620 người mắc, 5.822 người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố châu Âu là tâm dịch. Có thể thấy, “tâm chấn” Covid-19 đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu.

Trước xu hướng dịch bệnh tiếp tục lan nhanh với cấp số nhân và có vẻ sẽ còn tiếp diễn một vài tháng nữa nên việc tổ chức hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp ở các quốc gia có dịch đang phải điều chỉnh lại để ứng phó với tình hình, và nước ta cũng không là ngoại lệ.

Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Để sống sót và vượt qua thời điểm khó khăn này, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tìm cách thích ứng. Ngoài việc tìm các phương án chuyển đổi, tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng thay thế, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới… thì việc chuyển đổi phương thức từ làm việc trực tiếp, tiếp xúc truyền thống sang làm việc từ xa, online cũng rất quan trọng. Hiện nay nhiều công ty lớn trên thế giới như Twitter, Facebook, Apple, LinkedIn, Microsoft, Amazon (văn phòng ở Mỹ và Italy)… đã bắt đầu cho nhân viên của mình làm việc từ nhà, cắt giảm các chuyến đi công tác trong khi các tòa nhà văn phòng được khử trùng, hạn chế ra vào. Các công ty khác như Airbnb, Adobe, Booking.com, Buzzfeed, Intel, Tripadvisor, Uber, eBay… cũng đã chuyển sang chế độ làm việc tại nhà và vẫn bảo đảm hiệu quả công việc.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng chuyển đổi tương tự. Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Điều hành Hitachi System Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của anh đã chuyển sang chế độ làm việc từ xa (work from home) là một trong những giải pháp mà các công ty đa quốc gia áp dụng phổ biến đã nhiều ngày nay với các cuộc họp, báo cáo giao ban công việc hay hội nghị khu vực vẫn được thực hiện qua các ứng dụng trên internet. Những ứng dụng rất đỗi bình thường như Skype, Viber, WhatsApp cho các nghiệp vụ báo cáo, trao đổi thông tin và các cuộc họp trực tuyến với nhiều ứng dụng cho các doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Nhiều công cụ họp trực tuyến conference call như Sky Business, BlueJeans, Microsoft Team… đều có thể giúp ích cho bạn.

Hôm nay, trang tin điện tử RT cũng cho hay, sau nhiều biện pháp giảm số lượng người ở tòa nhà Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã cho phép những nhân viên không bắt buộc phải có mặt tại văn phòng được làm việc tại nhà từ ngày 16.3 đến 12.4 tới và sau 3 tuần sẽ đánh giá các biện pháp giảm số lượng nhân viên trong tòa nhà Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ).

Ở Việt Nam, Chính phủ điện tử (e-government) đã được chú trọng đầu tư nhiều năm nay có vẻ đang phát huy hiệu quả trong những tình huống “khẩn cấp” như hiện nay. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, đường truyền internet tốc độ cao mà ngay cả trong đỉnh điểm của dịch bệnh, ngày 14.3, Chính phủ vẫn tổ chức được hội nghị trực tuyến với sự tham dự của khoảng 1.700 đại biểu tại các điểm cầu trên toàn quốc để đánh giá 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, công bố tích hợp thêm một số dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương đang phát huy hiệu quả với gần 79 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 23 triệu lượt truy cập trong 3 tháng vừa qua và hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Người dân đã có thể nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy, nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ hay nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số tỉnh, thành phố hay trên phạm vi toàn quốc tùy loại dịch vụ được cập nhật.

Tất cả các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến ngoài ý nghĩa cắt giảm thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền mà còn tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi, bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là khi rủi ro lây nhiễm Covid-19 từ những đối tượng thuộc diện F3, F4… đang tự giác cách ly, tự theo dõi sức khỏe của mình tại nhà.

Quốc hội cũng không nằm ngoài xu thế đó với Quốc hội điện tử. Từ nhiều năm nay, ứng dụng công nghệ thông tin và tin học đã được sử dụng rộng rãi trong hoạt động Quốc hội như trang thông tin nội bộ Văn phòng Quốc hội vpqh.gov.vn, mạng điều hành dùng chung cho các cơ quan của Quốc hội eOffice, hoặc trên ứng dụng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội qua thiết bị di động app Quốc hội. Nhờ có Quốc hội điện tử mà các tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình và nhiều tài liệu khác phục vụ cho các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi kịp thời tới các cơ quan, đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu công việc và thời gian, quy trình theo luật định.

Vậy là Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử, hay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh cho dù không phải để đón đầu Covid-19 nhưng cũng đã tích cực tham gia vào ứng phó, phòng chống dịch, góp phần giảm thiểu những tác hại của dịch đến cộng đồng người dân, kinh tế và sự vận hành của bộ máy.

Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *