EVFTA – song hành cơ hội và thách thức

evfta-song-hanh-co-hoi-va-thach-thu
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), có lẽ bây giờ là 27 vì Anh đã rời EU. Đây cũng là một trong số các FTA có phạm vi và mức độ cam kết cao nhất mà Việt Nam từng đàm phán và ký kết từ trước tới nay. Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020), Quốc hội Khóa XIV tới đây, chắc chắn Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xem xét và hy vọng Hiệp định sẽ được Quốc hội thông qua một cách thuận lợi. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Quốc hội cũng sẽ đôn đốc việc tổ chức thực hiện cũng như giám sát quá trình thực thi Hiệp định.

Các văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ chuẩn bị ban hành sau khi Hiệp định này được Quốc hội phê chuẩn cần giải quyết tốt nhất có thể những thách thức mà EVFTA đặt ra đối với nền kinh tế, phát huy tối đa những mặt tích cực của Hiệp định trong quá trình thực thi. Do đó, việc cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình nội luật hóa các cam kết EVFTA trên cơ sở hoạt động thực tiễn của mình là rất quan trọng.

Cơ hội hiện hữu

Dẫu còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng có lẽ chúng ta đều đồng tình khi nhìn nhận EVFTA vừa là cơ hội, vừa là động lực mới cho nền kinh tế. Bởi lẽ, EU là một thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD. EU cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt trên 56 tỷ USD. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định. EVFTA cũng góp phần tăng thêm GDP của Việt Nam bình quân 2,18 – 3,25% giai đoạn 2019 – 2023, tăng dần trong giai đoạn tiếp theo.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy Thaco Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai Nguồn: ITN

Yêu cầu lớn nhất hiện đang đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp là làm sao để hiểu rõ nội dung cũng như các cam kết sâu, rộng, phức tạp của EVFTA, lường trước được những tác động tới nền kinh tế, từ đó có các bước chuẩn bị, điều chỉnh thích hợp nhằm tận dụng các cơ hội, đồng thời đối mặt và vượt qua các thách thức từ Hiệp định.

Trao đổi với Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương, tôi được biết, tuy THACO đang nghiên cứu, đánh giá chi tiết tác động của Hiệp định gắn với lộ trình thực hiện tới ngành cơ khí chế tạo, nhưng bản thân ông đánh giá rất tích cực về Hiệp định. Còn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Đào Văn Long cho biết các doanh nghiệp ngành cơ khí tin tưởng việc mở cửa thị trường cho phép doanh nghiệp có thể mua máy móc, thiết bị, công nghệ nguồn từ các đối tác châu Âu, dễ tiếp cận các khâu, công đoạn trong chuỗi cung ứng và sản xuất… nên có thể tiết giảm chi phí, giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang tận dụng cơ hội mà Hiệp định mang lại để nâng tầm sản phẩm cơ khí chế tạo trên cơ sở tăng cường ứng dụng quản lý, quản trị doanh nghiệp hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới thiết bị, công nghệ. Các ngành kinh tế khác, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và ICT, vận tải và logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp… hay nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng các kịch bản, lộ trình, cẩm nang thực thi EVFTA cho mình.

Bên cạnh đó, mặc dù sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các đối tác mạnh, hàng hóa chất lượng cao từ EU, nhưng với tinh thần tiến công, “thương trường là chiến trường”, các doanh nghiệp Việt Nam cũng coi đây là cơ hội tốt để phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ vừa để xuất khẩu, vừa để khai thác tốt thị trường đầy tiềm năng trong nước.
Thế nên, ngoài việc cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, nêu cao tinh thần khởi nghiệp sáng tạo… thì việc mở ra thị trường mới tiềm năng là rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Do quy mô của thị trường trong nước có giới hạn và sức mua không cao do thu nhập thực tế bình quân đầu người còn thấp nên việc có thêm thị trường EU với thuế suất ưu đãi sẽ mở ra cơ hội, kích thích mạnh mẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh dư địa chính sách không nhiều, nguồn lực tài chính công hạn chế, thì đây chính là động lực quan trọng trong thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước để gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, nền tảng cốt lõi của tăng trưởng thực chất và bền vững.

Thách thức không nhỏ

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thì không phải ngành hàng nào của ngành dệt may Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế suất ngay, thậm chí có một số mặt hàng trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định thuế suất còn cao hơn hiện nay vì việc cắt giảm thuế thực hiện từ thuế suất cơ sở (Common Custom Tariff) CCT chứ không từ hệ thống ưu đãi phổ cập (General System of Preference) GSP. Ví dụ, đối với mặt hàng bộ comple hay áo jacket từ sợi tổng hợp với kim ngạch 2019 là 207,5 triệu USD thuế suất CTT là 12%, Việt Nam đang hưởng thuế suất GSP 9,6% thì với lộ trình giảm 2%/năm thì năm 2020, ta sẽ hưởng thuế suất 10%. Cũng có một số mặt hàng được hưởng ngay thuế suất 0% nhưng kim ngạch lại chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu EU năm 2019 là 6,189 tỷ USD. So với thuế suất vào EU 0% của Bangladesh hay Campuchia thì hàng rào thuế suất đối với hàng dệt may của Việt Nam trong vài năm tới vẫn còn cao và sẽ chỉ về 0% sau 4 – 6 – 8 năm tùy mặt hàng.

Tuy ở cấp độ quốc gia, hay các ngành, lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp cụ thể đều đã có những nghiên cứu, tính toán, đánh giá khá toàn diện, nhận thức rõ ràng về những thách thức và cơ hội mà EVFTA đang mở ra, và dù chúng ta đã có kinh nghiệm thực thi 16 FTA, nhưng đối với EU thì ngoài những nguyên tắc chung đã được ký kết trong EVFTA thì các quốc gia thành viên của EU có thể lại có những yêu cầu riêng, hàng rào kỹ thuật riêng. Ví dụ như thực phẩm biến đổi gen, chưa kể giữa cam kết và thực thi luôn có một khoảng cách nhất định. Do đó tất cả còn ở phía trước.

Hay, có những tình huống có vẻ như chẳng liên quan gì đến EVFTA như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã từng làm chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay dịch bệnh Covid-19 hiện nay để lộ ra những “mắt xích” dễ tổn thương trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đấy là chưa kể đến các vấn đề như, chính sách tài chính, tiền tệ hay an ninh khu vực, an ninh phi truyền thống (năng lượng, lương thực hay nguồn nước)… Tất cả đều có thể xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng diễn ra song song với xu hướng bảo hộ thị trường và dân tộc chủ nghĩa trong kinh tế, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết và luôn nhận thức được cơ hội và thách thức luôn song hành. Cũng giống như khi ta lái xe vào khúc cua gấp, khi chưa nhìn thấy gì ở phía trước và sau khúc cua, thì phải chú ý quan sát, bình tĩnh xử lý, giảm tốc độ, đi vào làn đường bên phải của mình. Vì thế, nếu có cách tiếp cận đúng đắn, giải pháp và lộ trình, bước đi phù hợp, chúng ta sẽ biến những thách thức từ EVFTA thành cơ hội nhân đôi cho sự phát triển cho đất nước.

Trần Văn – Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *