Nâng tầm nhận thức về an ninh nguồn nước

nang-tam-nhan-thuc-ve-an-ninh-nguon-nuoc
Trong đợt khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt, phá vỡ mọi kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay với 5 tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn, chúng ta càng thấy rõ Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý là trong khi có vẻ như chúng ta có nguồn tài nguyên nước phong phú nhưng thật ra lại rất thiếu nước.

An ninh nguồn nước giữ vai trò quan trọng

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Việt Nam có hơn 2.360 con sông với chiều dài từ 10km trở lên, nhưng có tới 63% nguồn nước là từ nước ngoài chảy vào, trong đó, ở ĐBSCL có tới 90% nguồn nước chảy từ nước ngoài vào và ở đồng bằng sông Hồng là 50%. Mà các quốc gia ở phía thượng lưu thì họ lại ưu tiên sử dụng nước cho lợi ích quốc gia của họ như làm thủy điện, dẫn dòng lấy nước, làm hồ chứa nước để phát triển nông nghiệp, còn bao nhiêu mới chảy xuống nước ta. Đó là chưa kể đến chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản cũng phụ thuộc rất lớn vào các nước khác.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về an ninh nguồn nước tháng 2.2020

Trong khi bị động, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước bên ngoài thì nguồn nước nội sinh bình quân đầu người Việt Nam chỉ khoảng 3.370m3/năm. Theo tiêu chí của Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm và trung bình của thế giới là 7.400m3/người/năm. Tuy có khoảng hơn 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỷ mét khối nhưng chúng ta vẫn mất cân đối giữa nhu cầu về nước và khả năng dự trữ nước vì riêng nước cho sản xuất nông nghiệp đã lên tới khoảng 125 tỷ mét khối vào năm 2020, chưa kể khoảng 1.200 hồ, đập đang cần kinh phí duy tu, bảo dưỡng bảo đảm an toàn.

Vậy là chúng ta “thiếu đơn, thiếu kép” nước, chưa kể nguồn nước được phân bố về thời gian và không gian không hợp lý, rồi ô nhiễm do nhiễm mặn, nên nhìn thấy nước đó mà không sử dụng được. Trong thời điểm đỉnh hạn mặn như hiện nay, để có nước ngọt, bà con nhiều vùng phải mua tới cả trăm nghìn đồng một mét khối nước.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao trong khi nguồn nước ngày càng suy thoái cả về khối lượng và chất lượng, chưa kể tới những tác động tiêu cực đến tài nguyên nước của biến đổi khí hậu (BĐKH). Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững. Hiệu quả sử dụng nước và ý thức trách nhiệm về sử dụng tiết kiệm còn thấp… Tất cả đã và đang là thách thức, đe dọa một cách nghiêm trọng an ninh nguồn nước. Việc bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.

Nhận thức rõ những thách thức này, vừa qua Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chủ động nêu vấn đề và cùng một số cơ quan của Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như sẽ đi khảo sát ở một số địa phương tiêu biểu cho các vùng miền để chắc chắn rằng an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu ở nước ta.

Nguồn nước là một tài nguyên quý giá, có ảnh hưởng quan trọng và quyết định đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển của đất nước. An ninh nguồn nước là một loại hình an ninh phi truyền thống. Là quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của các thiên tai liên quan đến nước, việc bảo đảm an ninh nguồn nước nhằm phục vụ cho phát triển bền vững là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp.

Tầm nhìn

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là vấn đề cấp bách, thách thức lớn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, trung hạn cũng như ngắn hạn đối với vấn đề này, xây dựng các kịch bản, thậm chí giả định với tình huống xấu nhất gắn với diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, có giải pháp ứng phó hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, kỹ thuật số để quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý nhất, hiệu quả cao nhất.
Những vấn đề mang tính chiến lược đối với an ninh nguồn nước cần phải được thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 trên quan điểm giảm bớt sự phụ thuộc, bị động vào nguồn nước bên ngoài, tăng nguồn nước nội sinh, ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi, liệu chúng ta có thể đặt mục tiêu phấn đấu đạt nguồn nước nội sinh bình quân đầu người khoảng 5.000m3/năm vào năm 2025 và làm thế nào, bằng nguồn lực nào để đạt được mục tiêu này trong 5 năm tới.

Một trong những giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước là phải coi tài nguyên nước như một loại hàng hóa đặc biệt. Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thì giá thành 1m3 nước bơm đến ruộng là 1.500 đồng, còn nếu tự chảy thì khoảng 700 đồng. Do đó, phải quản trị nguồn nước theo cơ chế thị trường. Bên cạnh phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản trị nguồn nước như Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy lợi; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường,… việc nâng cao nhận thức của xã hội sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả là rất quan trọng.

Phát triển thủy lợi, ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến, hiện đại gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý sao cho tiết kiệm nước mà lại đạt hiệu quả kinh tế cao; là quản lý tốt nguồn nước, điều hòa, liên thông các hồ chứa, lưu vực các sông; là tăng diện tích rừng để giữ nước bằng cách ổn định diện tích hiện có và đi vào nâng cao chất lượng rừng, làm giàu rừng để tăng nguồn nước nội sinh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả nền kinh tế, của hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề là chúng ta có thể tiến tới điều hòa nước như điều hòa điện được để chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc? Bằng hệ thống kênh, ống dẫn nước điều hòa nước từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ nơi có nước nhưng không có hồ chứa đến nơi có hồ nhưng không có hoặc ít nước, từ điều hòa nội vùng chuyển qua điều hòa liên vùng? Hay xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trong mối liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác như ở phía trên là đường giao thông, cao tốc, phía dưới là ống dẫn nước?…

ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ này, nước biển có thể dâng từ 48cm đến 106cm và ở mức dâng 1 m sẽ làm 38,9% diện tích ở ĐBSCL bị ngập, 35% dân số ở ĐBSCL bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề chuẩn bị ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL như thế nào? Chúng ta có thể theo mô hình đê biển như Hà Lan, hay chung sống với nước biển như mô hình tôn nền làm nhà vượt lũ ở ĐBSCL như đã làm lâu nay? Vì quá trình ứng phó kéo dài tới hàng trăm năm, nên không dễ dàng thay đổi sinh kế, hay các kết cấu hạ tầng thủy lợi mà phải đầu tư dần theo phân kỳ, giai đoạn với nguồn lực và giải pháp, lộ trình, bước đi hợp lý.

Bảo đảm an ninh nguồn nước với tầm nhìn dài hạn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phục vụ đa ngành, đa mục tiêu, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chính là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước bền vững.

Trần Văn – ĐBQH Khóa XII, XIII

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *