Những ngày không thể quên!

di-sieu-thi-truoc-gio-gian-cach-xa-hoi
Sang ngày giãn cách xã hội thứ 6, dù trong tủ đông còn ít thịt cá nhưng rau củ thì hết nên vợ chồng tôi liều đi siêu thị. Gọi là liều vì đây là lần đi chợ đầu tiên từ ngày thực hiện Chỉ thị 16 và ngay trong sáng ngày 14.7, TP. Hồ Chí Minh vẫn có tới 666 ca mắc Covid-19. Biết trước là chỗ nào cũng phải xếp hàng nên chúng tôi ra khỏi nhà từ 6 giờ, lúc trời mới sáng và lại còn đang mưa.

Đến Mega Market An Phú, TP. Thủ Đức, người dân đã xếp hàng dài lòng vòng cả mấy trăm mét. Nghe nói xếp hàng cũng phải vài tiếng đồng hồ thì mới vào được siêu thị nên chúng tôi quay về Co.op Food gần nhà. Sau khi khai báo y tế, đo nhiệt độ, cửa hàng ghi số điện thoại và hứa sẽ gọi khi đến lượt. Trong lúc chờ đến lượt, chúng tôi lại ghé vào siêu thị Bách hóa Xanh bên cạnh. Thật may là cửa hàng này bày bán rau củ quả ngoài trời, có thể mua ngay mà không phải xếp hàng nhưng không có nhiều lựa chọn. Quay lại Co.op Food thì ngoài một số mặt hàng, riêng trứng gà chỉ được phép mua 20 quả. Đến 9 giờ, chúng tôi quay lại siêu thị An Nam trên Xa lộ Hà Nội để xếp hàng sau khoảng 50 người, nhưng đến nơi cũng hết rau xanh, chỉ còn mua được bánh mỳ, đồ khô.

Chuyện đi mấy cái chợ gần nhà, trong bán kính 2 – 3km mà kể dài dòng như vậy để thấy rằng, câu chuyện bếp núc không hề đơn giản của đại đô thị hơn 10 triệu dân trong những ngày phong tỏa, giãn cách xã hội. Đó cũng có thể là bài học cho các đô thị khác trong cả nước khi tình hình dịch bệnh không biết khi nào mới chấm dứt.

Theo chính quyền TP. Hồ Chí Minh, với mạng lưới 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng thực phẩm với lượng hàng dự trữ dồi dào thì người dân có thể yên tâm. Tuy nhiên, cũng đã có một số siêu thị, cửa hàng có nhân viên bị F0 phải đóng cửa hoặc thiếu nhân viên do gia đình, nơi trọ của nhân viên ở khu vực phong tỏa cứng, không đi làm được. Rồi ách tắc trong chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội ở vùng sản xuất, do logistics còn cách trở bởi các biện pháp phòng dịch, nên việc cung ứng hàng hóa chưa được như mong muốn khi phong tỏa kéo dài.

Thế mới biết là mặc dù đã chuẩn bị tương đối kỹ, có các doanh nghiệp thương mại nhà nước, kinh tế tập thể lớn làm nòng cốt, chính quyền thường xuyên nắm bắt tình hình để có những quyết sách hợp lý, sát với diễn biến của tình hình nhưng TP. Hồ Chí Minh đã bộc lộ những lúng túng nhất định khi không thể đáp ứng xuể nhu cầu tiêu thụ lớn của người dân, nhất là nhu cầu về rau xanh do không chỉ thành phố mà các địa phương lân cận cũng bị phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt, uyển chuyển hơn trong cách điều hành để bảo đảm hàng hóa đến với người dân nhanh và đầy đủ hơn.

Còn người dân thì mỗi nhà theo cách của mình. Để có thực phẩm dự trữ, người thì tự đi chợ, siêu thị, người thì đặt giao hàng tới nhà, nhờ người thân quê ở miền Tây mua thực phẩm gửi lên. Nếu tới đây, mấy tỉnh miền Tây chẳng may phải phong tỏa thì rau củ quả còn khó lên tới thành phố nữa trong khi nông dân sẽ không biết bán nông sản đi đâu.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, những ngày này, các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện đang làm hết sức mình để hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh, người góp tiền, người góp công, tổ chức các phiên chợ 0 đồng, đưa nhu yếu phẩm đến các khu phố bị phong tỏa, xóm trọ công nhân với tinh thần nhường cơm sẻ áo. Ở các khu, cụm dân cư, người dân cũng động viên, giúp đỡ nhau, chia sẻ bó rau xanh, gói mì hay mua chung để có lượng hàng lớn, dễ đặt và dễ vận chuyển.

Với tinh thần phải chiến thắng dịch bệnh bằng mọi cách, từng người dân, từng gia đình, khu dân cư, cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang động viên nhau, chủ động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và sát cánh với các cấp chính quyền thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tiêm chủng vaccine nhanh trên diện rộng như ưu tiên của Chính phủ. Hy vọng, TP. Hồ Chí Minh sẽ không phải sử dụng đến phương án 2, phương án 3 đã trù liệu.

TS Trần Văn – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *