Phân biệt các loại thuế (phần 2)

Phân biệt các loại thuế phần 2

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng chịu thuế.

Vai trò của TNDN

– Tạo cho nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước gắn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
– Là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc quản lý vĩ mô và điều tiết các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế: thông qua ưu đãi về thuế suất, về miễn thuế, giảm thuê, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam.
– Thể hiện vai trò đặc trung của thuế là đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và các thành phần khác trong nền kinh tế.

Thuế thu nhập cá nhân

Là thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh.

Thuế tài nguyên

Là một loại thuế gián thu, đây là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, thuế tài nguyên là một loại thuế điều tiết thu nhập về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Đặc điểm của thuế tài nguyên

– Là một khoản thu của NSNN đối với người khai thác tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước quản lý
– Thuế tài nguyên thu trên sản lượng và giá trị thương phẩm của tài nguyên khai thác mà không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên
– Thuế tài nguyên được cấu thành trong giá bán tài nguyên mà người tiêu dùng tài nguyên hoặc sản phẩm được tạo ra từ tài nguyên thiên nhiên phải trả tiền thuế tài nguyên.
– Thuế tài nguyên áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc đối tượng chịu thuế, không phụ thuộc mục đích sử dụng.

Vai trò của thuế tài nguyên

– Tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước
– Góp phần tăng cường quản lý nhà nước trong việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia

Đối tượng nào phải chịu thuế tài nguyên

Luật Thuế tài nguyên 2009 và Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định các đối tượng chịu thuế tài nguyên là các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, bao gồm:
– Khoáng sản kim loại
– Khoáng sản không kim loại
– Sản phẩm của rừng tự nhiên; trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ
– Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật
– Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy
– Yến sào thiên nhiên; trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác
– Tài nguyên thiên nhiên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Như vậy, cá nhân, tổ chức nào tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trên thì phải chịu thuế tài nguyên.

Lệ phí trước bạ

Khoản 2 Điều 3 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định: Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.

Đối tượng chịu lệ phí trước bạ

Theo Điều 2 Nghị định 140/2016/NĐ-CP hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 301/2016/TT-BTC đối tượng chịu lệ phí trước bạ gồm:
1. Nhà, đất:
– Nhà, gồm: Nhà ở; nhà làm việc; nhà sử dụng cho các mục đích khác.
– Đất, gồm: Các loại đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (không phân biệt đất đã xây dựng công trình hay chưa xây dựng công trình).
2. Súng săn, súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao.
3. Tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy.
4. Thuyền thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả du thuyền.
5. Tàu bay.
6. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp (gọi chung là xe máy).
7. Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trường hợp các loại máy, thiết bị thuộc diện phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp nhưng không phải là ô tô theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không phải chịu lệ phí trước bạ.
8. Vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền thuộc loại phải đăng ký; tàu bay; xe máy; ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô…là các khung, tổng thành máy thay thế khác với số khung, số máy của tài sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Khi nào phải nộp lệ phí trước bạ?

Theo Điều 3 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ phải nộp lệ phí trước bạ khi:
+ Đăng ký quyền sở hữu,
+ Quyền sử dụng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc diện miễn lệ phí trước bạ.
Như vậy, lệ phí trước bạ là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn.

Lệ phí môn bài

Hiện nay tại Luật Phí và lệ phí năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào định nghĩa hay giải thích lệ phí môn bài là gì. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Thông tư 302/2016/TT-BTC thì lệ phí môn bài được hiểu như sau:
Lệ phí môn bài là khoản tiền phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu của năm (đối với hộ, cá nhân kinh doanh).

Đối tượng nộp lệ phí

Căn cứ Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, người nộp lệ phí là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp được miễn, gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức trên.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các trường hợp được miễn lệ phí

Căn cứ Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (một số khoản được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP), các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
– Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
– Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
– Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
– Miễn lệ phí trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
+ Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
+ Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Trong thời gian miễn lệ phí, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
– Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *