Hộ kinh doanh cá thể là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam. Trong bài viết này, Imax sẽ hướng dẫn bạn thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể và những lưu ý để tránh rủi ro trong quá trình làm hồ sơ.
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”Hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân và con dấu riêng. Tuy nhiên nếu muốn, chủ hộ vẫn có thể tự khắc con dấu; trên đó có tên hộ kinh doanh, địa chỉ hộ kinh doanh và mã số thuế.
Đặc điểm hộ kinh doanh cá thể
- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối; những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh tạm thời; làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Đăng ký kinh doanh hộ cá thể có thể là cá nhân hoặc hộ gia đình.
- Không bị giới hạn số lao động tối đa.
Một số lưu ý về thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Chủ thể được quyền thành lập hộ kinh doanh
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của chủ thể đăng ký hộ kinh doanh
- Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
- Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Địa điểm kinh doanh
- Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
- Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Tên hộ kinh doanh
Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về cách đặt tên khi thành lập hộ kinh doanh cá thể như sau:
- Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: Cụm từ “Hộ kinh doanh” + Tên riêng của hộ kinh doanh.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh
- Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt cả quá trình hoạt động.
- Trường hợp hộ kinh doanh kinh doanh ngành nghề có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì hộ kinh doanh sẽ bị cơ quan có thẩm quyền ra thông báo tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đăng ký thuế cho hộ kinh doanh
Cán bộ thuế sẽ tới tận nơi để thực hiện đăng ký thuế cho hộ kinh doanh tùy theo từng địa phương.
Hộ kinh doanh cần chuẩn bị: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể và CMND hoặc hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế môn bài dựa theo thu nhập; cụ thể thuế môn bài được nộp cho cả năm theo các mức sau đây:
- Thu nhập hơn 1.500.000 đồng/tháng: nộp 1 triệu đồng.
- Thu nhập từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng/tháng: nộp 750.000 đồng.
- Thu nhập từ trên 750.000 đồng – 1.000.000 đồng/tháng: nộp 500.000 đồng.
- Thu nhập từ trên 500.000 đồng – 750.000 đồng/tháng: nộp 300.000 đồng.
- Thu nhập trên 300.000 – 500.000 đồng/tháng: nộp 100.000 đồng.
- Thu nhập từ 300.000 đồng/tháng trở xuống: nộp 50.000 đồng.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT).
- Bản sao hợp lệ thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân đăng ký hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
- Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh;
- Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
- Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
- Trường hợp thuê mượn địa điểm kinh doanh thì xuất trình thêm giấy thỏa thuận thuê mượn; hoặc hợp đồng thuê mượn mặt bằng kinh doanh đã được công chứng hoặc chứng thực.
- Trường hợp giấy thỏa thuận thuê, mượn hoặc hợp đồng thuê mượn mặt bằng không công chứng hoặc chứng thực thì xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất của bên cho thuê, mượn mặt bằng.
Đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể ở đâu?
Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Số vốn kinh doanh;
- Số lao động;
- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Trình tự đăng ký kinh doanh cá thể/ hộ gia đình
- Cá nhân hoặc nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Kèm theo Giấy đề nghị phải có các văn bản được nêu tại Thành phần hồ sơ.
- Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
- Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Phí đăng ký thành lập hộ kinh doanh: Mức phí phải đóng khi tiến hành làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể là 100.000 đồng/lần (được quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 176/2012/TT-BTC).