Ngày hội bóng đá sẽ kết thúc sau trận chung kết giữa Pháp và Croatia vào đêm 15.7, nhưng dư âm của nó sẽ còn kéo dài với vô vàn bài bình luận, phân tích, tổng kết giải đấu.
Với một người không phải chuyên gia bóng đá, cảm nhận đầu tiên của tôi là khả năng tổ chức tuyệt vời của nước chủ nhà. Ngay như trận bán kết Pháp – Bỉ, tôi đã tận mắt chứng kiến hơn 62 nghìn “tín đồ” của quả bóng tròn tập trung về sân vận động trong trật tự và rời sân vận động trong bình yên theo hướng dẫn của các tình nguyện viên. Hoàn toàn không có cảnh ùn ứ, mất trật tự, mặc dù lực lượng an ninh kiểm tra, kiểm soát gắt gao.
Hàng triệu FAN ID được cấp thay cho thị thực nhập cảnh, nhưng khi quét mã vạch trên máy, thông tin, ảnh của khán giả hiện lên ngay tức thì, chứng tỏ hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư rất bài bản. Bằng cách này, nước Nga kiểm soát được 100% khán giả trong nước và quốc tế tới các sân vận động. Không chỉ ở cửa khẩu mà tại khách sạn người ta cũng yêu cầu trình FAN ID khi làm thủ tục lấy phòng.
Ở trong sân, các tình nguyện viên cần mẫn hướng mắt về phía khán giả, theo dõi “nhất cử nhất động”, nhẹ nhàng nhắc nhở khán giả ngồi đúng chỗ, đi đúng đường, không hút thuốc lá. Một số cổ động viên có vẻ nóng tính nhưng đều nghe lời các nữ tình nguyện viên Nga. Có lẽ không ai nỡ “nặng lời, nặng tay” với các cô gái tình nguyện viên xinh đẹp này. Đó cũng là một sự lựa chọn thành công của nước chủ nhà.
Một nét ấn tượng nữa của nước chủ nhà trong khâu tổ chức là các FIFA Fan Fest, nơi người hâm mộ không có vé vào sân tụ tập xem các trận đấu trên màn hình lớn với dàn âm thanh tuyệt vời. Đến Fan Fest ở đồi Vorobiev cạnh sân Luzhniki, tôi thấy được quy mô hoành tráng của nó, trải dài từ đường ven sông Moscow tới tận tòa nhà chính Đại học Tổng hợp Quốc gia mang tên Lomonosov với nhiều màn hình lớn, sân khấu nhạc sống, cửa hàng lưu niệm ủy quyền của FIFA, các gian hàng của nhà tài trợ. Đây là nơi 25 nghìn cổ động viên có thể tụ tập vui cùng trái bóng tròn.
Cổ động viên Pháp và Bỉ với cái bắt tay đầy tình hữu nghị |
Nguồn: ITN |
Không có điều kiện đến 11 thành phố tổ chức World Cup 2018, nhưng tới Moscow và Saint Petersburg, tôi thật sự ấn tượng trước sự sạch sẽ, ngăn nắp và vô cùng thân thiện ở đây. Anh Dimitri, lái xe Uber, cho biết trước khi World Cup khai mạc, chính quyền thành phố Saint Petersburg đã cho sửa chữa đường sá, cọ rửa mặt tiền các tòa nhà cổ, trồng hoa, trang trí đường phố, huy động tình nguyện viên biết tiếng Anh trực ở các điểm có nhiều du khách, cổ động viên… Cũng có sự bất tiện nhất định do công tác chỉnh trang hạ tầng đô thị nhưng mọi người dân đều đồng tình ủng hộ vì họ tự hào lần đầu tiên nước Nga đăng cai World Cup. Cả 11 thành phố tổ chức World Cup 2018 đều có bề dày lịch sử, đậm đặc văn hóa Nga, nhiều danh lam thắng cảnh để cổ động viên thưởng ngoạn, bên cạnh những trận cầu nảy lửa.
Rời sân vận động Saint Petersburg trên xe buýt, tôi gặp gia đình anh Julien từ vùng Britany của Pháp đang vui mừng trước chiến thắng của đội nhà. Julien cho biết, cũng như nhiều cổ động viên khác, họ đều hy vọng đội nhà vào sâu nên đã mua vé trận bán kết từ tháng 4 và thật may mắn được cổ động cho đội nhà hôm nay. Trên xe có nhiều cổ động viên Brazil, Colombia, Đức… và có thể họ cũng đã hy vọng đội tuyển quốc gia của mình vào tới bán kết như gia đình Julien…
Thể thao luôn gắn kết mọi người. Để tổ chức thành công sự kiện thể thao quan trọng này, coi đây là “vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm lớn”, “nước Nga đã cần cù lao động trong 8 năm qua để World Cup 2018 thành công tốt đẹp nhất, trở thành ngày hội của các cầu thủ và hàng triệu người hâm mộ” và “World Cup sẽ đoàn kết cả hành tinh” như lời Tổng thống Vladimir Putin hướng tới sự kiện này.